Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phòng chống bọ xít hút máu

Kim Xuân, icon
05:45 ngày 11/06/2014

Bọ xít hút máu là loài côn trùng đã được phát hiện nhiều năm tại Việt Nam và ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bọ xít hút máu người. (Ảnh: Cục y tế dự phòng)

Người bị bọ xít đốt có thể bị sưng, ngứa tại chỗ đốt, một số trường hợp có thể bị bội nhiễm gây viêm da. Hiện nay, chưa phát hiện bọ xít hút máu truyền bệnh sang người. Trước tình hình đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:

1. Để tránh bị bọ xít hút máu đốt, người dân nên thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, đặc biệt là những nơi ẩm thấp.

2. Loại bỏ những vật dụng mủn, mục không sử dụng.

3. Thường xuyên nằm ngủ màn để bọ xít không chui vào.

4. Khi bị bọ xít đốt nên rửa ngay bằng xà phòng, không gãi tại vết đốt.

5. Nếu vết đốt sưng, phù nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. Không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo các chuyên gia y tế, bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1-3,5 cm; phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Loại bọ xít này thường đẻ trứng trên thành của giường, tủ hoặc dưới các đống gỗ ngoài nhà; trứng màu trắng ngà.

Loài bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc động vật. Chúng không những chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn xuất hiện ở các khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Ban ngày bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ... đêm đến mới hoạt động nên con người thường không biết sự có mặt của chúng. Thông thường thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu là vào đầu mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí tăng cao.

Cùng chuyên mục