Dấu hiệu nhận biết viêm amidan ở người lớn và trẻ nhỏ

Ban Khoa giáo, icon
06:47 ngày 19/09/2017

VTV.vn - Với một số triệu chứng mà bác sĩ gợi ý dưới đây, bạn có thể tự nhận biết viêm amidan ở người lớn hay trẻ nhỏ, để đi khám kịp thời.

Amidan là hệ thống phòng vệ đầu tiên của hệ miễn dịch và thường đóng vai trò thanh lọc các vi khuẩn hoặc virus muốn xâm nhập vào cơ thể thông qua đường mũi hoặc đường miệng.

Viêm amidan thường xảy ra khi tình trạng nhiễm khuẩn do virus hoặc vi khuẩn quá tải làm chúng sưng lên và viêm, đau. Viêm amidan xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Thông thường, amidan có thể tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên có trường hợp bệnh sẽ bị biến chứng nếu không được điều trị đúng hướng và kịp thời.

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, triệu chứng cơ bản để nhận biết viêm amidan gồm:

- Người ngây ngấy sốt; có những cơn sốt cao khi bị viêm cấp.

- Tại chỗ amidan rất đau. Bệnh nhân nuốt đau và nuốt vướng.

- Hơi thở có mùi hôi.

- Hạch cổ nổi lên.

- Há miệng ra, bạn có thể tự quan sát thấy 2 cục đỏ sưng to hai bên họng.

- Với trẻ nhỏ chưa biết nói về tình trạng bệnh, cha mẹ có thể nhận biết dấu hiệu trẻ mắc viêm amidan như: Sốt, nôn trớ, sờ thấy hạch cổ nổi, quan sát họng thấy 2 cục sưng 2 bên họng.

Biến chứng của amidan:

Amidan bình thường có chức năng bảo vệ cơ thể nhưng khi nó bị viêm đi viêm lại nhiều lần thì bản thân amidan trở thành "lò viêm" cho cơ thể. Các khe kẽ của nó chứa đầy mủ, có những hốc mủ ăn sâu, bào mòn dần khiến rỗng amidan. Tổ chức mủ này không chỉ ở amidan mà nó còn tấn công ra các bộ phận xung quanh như: áp xe amidan, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phổi, viêm phế quản, viêm khớp, viêm cầu thận, các bệnh lý van tim…

Một số lời khuyên phòng tránh amidan:

- Vệ sinh răng miệng thường xuyên

- Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, ngăn ngừa viêm amidan.

- Bỏ thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, uống nước đá

Phòng tránh amidan cho trẻ nhỏ:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ

- Hạn chế trẻ tiếp xúc với môi trường có hàm lượng khói bụi, khói thuốc

- Giữ ấm cho hệ hô hấp của trẻ, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa.

Quý vị có thể theo dõi tư vấn chi tiết của các bác sĩ trong chương trình Sống khỏe mỗi ngày số đặc biệt qua video dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục