Đau thượng vị uống thuốc không khỏi, đi khám phát hiện ung thư dạ dày

Linh Chi, icon
10:15 ngày 15/05/2019

VTV.vn - Bệnh nhân T.M.T. (62 tuổi, trú tại Vĩnh Long) vào Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) vì cơn đau thượng vị dù đã điều trị bằng thuốc trước đó.

Bệnh nhân điều trị viêm dạ dày ở một số cơ sở y tế nhưng không khỏi. Đồng thời, bệnh nhân còn mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

Qua thăm khám và các xét nghiệm chuyên sâu, sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định: bệnh nhân bị ung thư dạ dày ở giai đoạn xâm lấn tại chỗ và quyết định phẫu thuật nội soi cắt gần trọn dạ dày vét hạch D2. Đây là phẫu thuật được xem như điều trị tiêu chuẩn trong phẫu trị triệt để ung thư dạ dày giai đoạn này. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm ít mất máu, ít đau, vết mổ nhỏ, nằm viện ngắn hơn so với mổ mở.

Kết quả về mặt ung thư học sau mổ: ung thư loại tế bào tuyến, biệt hóa kém, xâm lấn đến thanh mạc, mặt cắt hai đầu của dạ dày không còn tế bào ác tính (Ro), di căn 4 hạch. Bệnh nhân được xuất viện tái khám sau mổ 6 tuần để hóa trị, hoặc hóa - xạ trị hỗ trợ.

Theo các bác sĩ, ung thư dạ dày có thể gặp khắp nơi trên thế giới, châu Á thường gặp hơn, tỷ lệ cao nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ, bệnh nhân đa số được chẩn đoán ở giai đoạn xâm lấn, tại chỗ tại vùng và ung thư đã di căn xa.

Những người có nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm: hút thuốc, nghiện rượu, ăn nhiều muối, thịt sống, thịt hun khói, viêm dạ dày do vi trùng Helicobacter Pylori, gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày, đại tràng, đa polyp gia đình, ung thư vú, hoặc đau thượng vị bằng thuốc mà không khỏi. Các chuyên gia ung thư khuyến cáo: người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực ung thư để được phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng mức đầy đủ nhằm mang lại kết quả khỏi bệnh cao nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục