Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng

Mai Lê, Quang Nhật, icon
12:20 ngày 09/03/2023

VTV.vn - Lao là bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đối với thể chất, tinh thần, kinh tế của người bệnh mà còn là mối nguy hiểm của cộng đồng.

Bệnh nhân đến thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 800 bệnh nhân lao các thể mới và tái phát. Qua việc khám sàng lọc, phát hiện lao tại tất cả các tuyến y tế, ngày càng nhiều bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị, góp phần hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng. Nhưng những con số trên cũng cho thấy, tỷ lệ người mắc lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao.

Ông Trần Thành Danh (trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Năm 2019 tôi phát hiện mình mắc bệnh lao. Sau khi tích cực điều trị trong suốt 6 tháng, tôi khỏi bệnh. Tuy nhiên, những tuần gần đây tôi lại bị ho nhiều trở lại, cơ thể mệt mỏi mặc dù bản thân không hề hút thuốc, không bị các bệnh nào khác, nghi vấn bị lao tái phát nên tôi tới bệnh viện làm xét nghiệm để kịp thời điều trị. Trước đây khi mắc bệnh, tôi cũng không biết vì sao mình mắc lao vì xung quanh tôi không có ai bị bệnh này. Khi mắc bệnh, tôi thấy sức khỏe của mình giảm sút đi rất nhiều, quá trình điều trị dài ngày nhiều khi tôi rất mệt mỏi, muốn bỏ điều trị nhưng nhờ sự động viên của gia đình và các y, bác sĩ nên tôi đã kiên trì điều trị khỏi bệnh. Tôi ý thức được bệnh lao rất dễ lây cho những người xung quanh nên tôi luôn thực hiện đeo khẩu trang, ăn uống, vệ sinh cá nhân riêng để đảm bảo an toàn cho mọi người".

Đưa em gái đi khám bệnh lao, chị H’Đương Kễn (trú tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay: "Gia đình tôi có một chị gái đã mắc và đang điều trị bệnh lao. Do đó, mọi người đều biết được bệnh lao ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Để phòng bệnh, chúng tôi cho chị gái ăn uống riêng, ngủ riêng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Mấy ngày gần đây, một người em gái tôi cũng có biểu hiện mệt mỏi, ho nhiều, về chiều thường lên cơn sốt, chán ăn, sút cân nhanh. Lo lắng có thể em mắc lao do lây từ chị gái nên tôi đưa em đi khám. Kết quả xét nghiệm đờm cho thấy em gái tôi cũng mắc bệnh lao. Gia đình tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao chị gái tôi mắc bệnh lao, chỉ đến khi chị tôi ho mấy tháng không khỏi, sức khỏe giảm sút, đi khám các bác sĩ khuyên nên đi xét nghiệm lao mới biết bị bệnh".

Tiến sĩ, bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Theo ước tính của WHO, tại Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân mắc lao phát hiện hàng năm khoảng 170/100.000 dân. Như vậy, tại tỉnh Đắk Lắk với dân số khoảng 2 triệu dân, mỗi năm sẽ có khoảng hơn 3.000 trường hợp mắc lao mới. Tuy nhiên, hàng năm chương trình phòng, chống lao của tỉnh chỉ phát hiện, đưa vào quản lý điều trị trên dưới 1.000 trường hợp, còn gần 2.000 trường hợp bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện để đưa vào điều trị và quản lý. Đây là nguồn lây rất nguy hiểm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao kháng thuốc cũng gia tăng. Trong 1.000 trường hợp bệnh nhân lao được phát hiện có khoảng 20-30 trường hợp bệnh nhân mắc lao kháng thuốc các loại".

Bác sĩ Châu Đương đánh giá, với tình hình phức tạp của bệnh lao, đặc biệt sau 3 năm dịch COVID-19, hiện nay bệnh lao đang quay trở lại nặng nề hơn. "Trước tình hình đó, ngành Y tế đã củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở với các khoa, phòng khám, điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bệnh viện tư nhân, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Tại mỗi xã, đều có 1 bác sĩ hoặc y sĩ được phân công quản lý chương trình phòng, chống lao của xã đó. Tại thôn, buôn, các cộng tác viên y tế sẽ là mạng lưới "chân rết" trên toàn cộng đồng để quản lý tốt các đối tượng nghi ngờ lao trong cộng đồng, đưa đi khám, phát hiện đưa vào điều trị sớm để cắt nguồn lây trong cộng đồng. Cùng với đó, vận động các gia đình cho trẻ em tiêm phòng đầy đủ vaccine BCG (phòng lao), góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Đồng thời mang đến thông điệp: Mọi người không nên kỳ thị, phân biệt với người mắc bệnh lao. Bệnh lao được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách", bác sĩ Châu Đương chia sẻ thêm.

Nhằm phát hiện sớm các bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng, ngành Y tế còn triển khai chiến lược 2X - chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert. Đồng thời tổ chức khám chủ động cho người dân. Nếu trước đây, bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đến cơ sở y tế khám. Bây giờ, ngành Y tế sẽ chủ động đến với người dân bằng cách đưa xe X-quang xuống tại các địa phương và tiến hành làm xét nghiệm đờm, tầm soát lao cho người dân.

Để các xét nghiệm lao có kết quả nhanh chóng và chính xác, vừa qua tỉnh Đắk Lắk đã được Chương trình phòng, chống lao hỗ trợ 3 máy xét nghiệm GeneXpert. Đây là hệ thống máy xét nghiệm sinh học phân tử khép kín, hiện đại được đặt tại Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Nhờ có hệ thống máy xét nghiệm mà các bệnh nhân sẽ được chẩn đoán nhanh và sớm, qua đó giúp bệnh nhân sớm được điều trị, quản lý kịp thời.

Để hoạt động phòng, chống lao tại cộng đồng phát huy hiệu quả tích cực, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân người dân chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần sự tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động phòng, chống bệnh lao, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục