Dồn lực cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng

Hoàn Lê (CDC Đồng Nai), icon
06:50 ngày 06/01/2022

VTV.vn - Với số ca mắc COVID-19 liên tục tăng, các bệnh viện điều trị COVID-19 tại Đồng Nai đã mở rộng giường điều trị, tăng cường nhân lực để cứu chữa bệnh nhân.

Bác sĩ siêu âm cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Số bệnh nhân nặng nhập viện tăng

BS.CKI Lâm Hùng Hạnh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết: "Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 được thiết kế để tiếp nhận cho khoảng 50 bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, hiện chúng tôi phải kê thêm giường bệnh bởi số bệnh nhân lúc nào cũng từ 60 đến 100 người, trên 90% trong số này đều trong tình trạng nặng, nguy kịch".

Thống kê các ca bệnh điều trị tại đây cũng cho thấy: Khoảng 60% bệnh nhân nặng có kèm các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh thận mãn tính. Số còn lại là bệnh nhân trẻ nhưng bị béo phì hoặc bị các di chứng trước đó như mổ ruột thừa, tai nạn giao thông, các thai phụ. Đặc biệt, có khoảng 40% bệnh nhân chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1.

"Nguyên nhân khiến cho nhiều bệnh nhân trở nặng nhanh do nhiễm COVID-19 trên thể bệnh nền, nhiều bệnh nhân tử vong khi vừa nhập viện do một cơn nhồi máu cơ tim cấp. Hiện chúng tôi đang áp dụng các phương tiện sẵn có cùng với các phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để cứu sống người bệnh như: Chạy tim phổi nhân tạo ECMO, tiến hành lọc máu liên tục nhằm điều trị choáng, lọc ngắt quãng điều trị hội chứng cơn bão cytokine. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng các loại thuốc kháng virus, thuốc chống đông máu, hệ thống theo dõi dẫn động, nội soi phế quản, mở màng phổi… Bên cạnh đó, còn hỗ trợ điều trị bằng vật lý trị liệu cho bệnh nhân, chú trọng vấn đề dinh dưỡng để giúp bệnh nhân tăng sức đề kháng" - bác sĩ Hạnh cho hay.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bác sĩ Mai Kiên Toàn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: "Hiện bệnh viện cũng trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân COVID-19 nặng tăng lên, trong đó nhiều bệnh nhân phải sử dụng máy thở xâm nhập, phải lọc máu hỗ trợ suy tạng. Chúng tôi đã tăng từ 40 lên 60 giường nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ. Trước đây, các ca bệnh nặng đều nhận từ bệnh viện dã chiến thì hiện nay đa số bệnh nhân đều ở Long Khánh và các huyện lân cận nhập viện do trở nặng khi điều trị tại nhà".

Dồn lực cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh 1.

Đơn vị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Do bệnh nhân ngày càng tăng, trong khi lực lượng nhân viên y tế rất mỏng nên Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh gặp nhiều khó khăn. Số y, bác sĩ có chuyên môn sâu về hồi sức thiếu nên bệnh viện phải huy động các khoa phòng khác.

"Hiện chúng tôi đang thực hiện 2 ca 3 kíp, mỗi ca trực 12 tiếng với 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Do nhân lực mỏng nhưng phải chăm sóc, theo dõi cho 60 bệnh nhân nặng khiến công việc quá tải, các y bác sĩ nỗ lực gấp nhiều lần để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân" - bác sĩ Toàn nói.

Tập trung mọi nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân

Điều dưỡng Nguyễn Đạt Tuất, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tham gia công tác điều trị COVID-19 cho biết: "Hàng ngày chúng tôi sẽ thực hiện theo y lệnh của bác sĩ và chăm sóc, hỗ trợ vệ sinh cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân nhẹ đang thở máy, mỗi sáng điều dưỡng sẽ vệ sinh răng miệng cho người bệnh, sau đó cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định như thuốc vận mạch, an thần, các thuốc huyết áp. Chúng tôi cũng kiêm luôn việc vệ sinh cũng như cho bệnh nhân ăn hàng ngày bởi hầu như tất cả bệnh nhân không thể tự làm…".

Theo điều dưỡng Tuất, bên cạnh việc chăm sóc, các điều dưỡng phải thường xuyên quan sát các chỉ số trên máy để kịp thời phát hiện các bất thường và báo cho bác sĩ để xử trí. Ở mỗi khu điều trị sẽ có 2 - 3 điều dưỡng, trong đó sẽ có 1 điều dưỡng giỏi về việc theo dõi chỉ số máy móc sẽ thường xuyên theo dõi các chỉ số trên máy, 2 điều dưỡng giỏi về hồi sức sẽ xử trí khi có ca bệnh diễn tiến xấu, còn lại một điều dưỡng sẽ hỗ trợ bệnh nhân trong việc tập vật lý trị liệu, tập vận động đường thở.

Gần 5 tháng tham gia chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, điều dưỡng Thái Văn Giáp, Khoa hồi sức tích cực COVID-19 chia sẻ: "Công việc hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 vất vả hơn nhiều so với bệnh nhân ngoài. Đó là môi trường làm việc rất nóng, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, thời gian làm việc kéo dài, chăm sóc bệnh nhân nặng và không hề có sự hỗ trợ của người thân của bệnh nhân nên chúng tôi được xem là cứu cánh duy nhất cho người bệnh lúc nguy nan này, vì thế ai cũng cố gắng để làm tròn trách nhiệm của người điều dưỡng. Hơn nữa, để hồi sức cho 1 bệnh nhân COVID-19 đòi hỏi ê kíp cũng phải nhiều người hơn, huy động nhiều máy móc, vật tư hơn".

Dồn lực cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh 2.

Điều dưỡng Khu hồi sức Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh theo dõi sức khỏe bệnh nhân COVID-19.

TS.BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết: Trước đây trong giai đoạn giãn cách xã hội, số lượng bệnh nhân ít trong khi số nhân sự được tăng cường từ Bệnh viện K và Bệnh viện Phổi Trung ương hơn 170 y bác sĩ. Tuy nhiên, sau giãn cách, số bệnh nhân nặng tăng rất nhiều nên gánh nặng điều trị tăng lên, bệnh viện đã đề nghị Sở Y tế tái cấu trúc lại, trong đó dừng nhân lực tại các bệnh viện dã chiến để tập trung cho Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 đặt tại bệnh viện.

Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 được chia làm nhiều khu, gồm tầng 2 Khoa Nhiệt đới tiếp nhận và điều trị bệnh nhẹ, tầng 4 đến tầng 7 điều trị cho bệnh nhân không triệu chứng và nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Riêng tầng 3, tập trung điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nặng, đặt nội khí quản. Về nhân sự hiện chỉ còn khoảng 40 y, bác sĩ từ Trung ương vì vậy phải huy động nhân lực tất cả các khoa tham gia điều trị.

Để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã thực hiện các kĩ thuật chuyên sâu như đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn và không xâm lấn, kết hợp lọc máu liên tục cho bệnh nhân, với những bệnh nhân ổn định chúng tôi tập vật lý trị liệu, chú trọng dinh dưỡng để bệnh nhân hồi phục hệ hô hấp. Với những bệnh nhân mắc bệnh nền, các bác sĩ phải thường xuyên theo dõi và cho sử dụng thêm thuốc hạ huyết áp, thuốc tiểu đường để giúp bệnh nhân ổn định các chỉ số huyết áp và tiểu đường.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hiện khu điều trị nặng của bệnh viện có khoảng 40 máy thở xâm lấn và 12 máy thở HFNC, 16 bác sĩ chia làm 4 kíp, mỗi kíp có 4 bác sĩ 8 điều dưỡng chăm sóc cho gần 50 bệnh nhân. Hầu như các bác sĩ phải ở trong đó liên tục, nhiều bệnh nhân nhập viện nhưng không đủ máy thở buộc phải huy động máy thở từ các đơn vị khác.

Hiện Sở Y tế Đồng Nai đang mở rộng khu điều trị tầng 3, đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh số ca bệnh ngày một tăng, tuy nhiên cũng cần phải tính toán về nguồn lực, máy móc đặc biệt là con người. TS.BS Phạm Văn Dũng cho rằng, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện cũng phải mở tầng 2 để tiếp nhận bệnh nhân nhẹ để họ không chuyển nặng; các trạm y tế cũng có cách quản lý theo dõi bệnh nhân tốt hơn không để bệnh nhân tự điều trị ở nhà sau đó diễn tiến nặng mới nhập viện thì nguy cơ tử vong cao. Đồng thời, Sở Y tế cũng cần có kế hoạch phân vùng điều trị để việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục