Đồng Nai: Tập trung triển khai các giải pháp không để dịch chồng dịch

Mai Liên, icon
06:00 ngày 20/07/2023

VTV.vn - Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh truyền nhiễm, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đã chủ động triển khai nhiều giải pháp không để tình trạng dịch chồng dịch.

Phun hoá chất tại các ổ dịch.

Nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp. Có 4/8 bệnh có số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 và không ghi nhận tử vong. Cụ thể bệnh thủy đậu ghi nhận 803 ca, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2022 (277 ca). Bệnh tiêu chảy ghi nhận 6.580 ca, tăng 31,42% so với cùng kỳ 2022 (5.007 ca). Cúm ghi nhận 10 ca, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2022 (1 ca); Bệnh do Adenovirus ghi nhận 2 ca, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (0 ca).

Đáng lưu ý, trong những ngày cuối tháng 6, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tăng cao và gần chạm đỉnh dịch của năm 2022. Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng có tỷ lệ chết/mắc là trên 2‰, cao hơn so với trung bình hàng năm và cao hơn so với tỷ lệ Quốc gia (dưới 1‰). Tính đến ngày 18/7, toàn tỉnh ghi nhận 1.747 ca, ghi nhận 5 ca tử vong.

Huyện Cẩm Mỹ là địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023 toàn huyện ghi nhận 138 ca, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 và 1 ca tử vong. Số ca tăng nhanh trong nửa đầu tháng 7, đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 178 ca mắc. Một số xã có số ca tăng như Thừa Đức, Nhân Nghĩa, Bảo Bình.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, dịch sốt xuất huyết tăng cao do ý thức người dân chưa cao, một số hộ gia đình chưa tự giác dọn vệ sinh môi trường, phế liệu xung quanh nhà, tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng phát triển. Hệ thống cống rãnh không thoát được nước ở một số khu vực như: chợ, khu đông dân cư, các hộ dân sống gần lô cao su khiến nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao. Người dân vẫn còn thói quen trữ nước sinh hoạt nhưng không thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước. Hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng còn thấp, do chưa huy động được sự tham gia của các ban ngành đoàn thể. Mức độ tham gia chưa tích cực, cộng tác viên hoạt động chưa hiệu quả, bỏ sót nhiều dụng cụ chứa nước nguy cơ có nhiều lăng quăng như: phuy nước đọng, thùng xốp…

Tại TP. Biên Hòa, tình hình dịch bệnh tương đối phức tạp, mặc dù 6 tháng đầu năm mới ghi nhận hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết với 80 ổ dịch, giảm rất nhiều so với năm 2022, nhưng trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc tăng, dự kiến sẽ tăng hơn nữa khi vào cao điểm của mùa mưa. Bên cạnh đó, đây là địa bàn với hệ thống mầm non tư thục dày đặc, mặc dù mùa hè những vẫn hoạt động như bình thường, nên có nguy cơ cao mắc bệnh tay chân miệng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp chống dịch

Là địa phương có số ca mắc tay chân miệng cao nhất tỉnh, BSCKI. Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Phòng chống dịch bệnh - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa cho biết: Trong ba tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng tăng cao, bình quân mỗi tuần ghi nhận hơn 100 ca mắc. Do địa bàn Biên Hòa có nhiều bệnh viện, phòng khám và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nên trẻ mắc bệnh đa phần đều đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế này, vì thế Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa tập trung nhiều vào hoạt động phòng bệnh.

Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức cấp phát 600kg Cloramin B, 700 chai Javen và 200 cục xà bông để cho các phường, xã xử lý ổ dịch; tổ chức tập huấn cho hơn 500 giáo viên, nhân viên các trường mầm non, đồng thời phối hợp với ngành giáo dục thành phố triển khai Chiến dịch khử trùng phòng, chống tay chân miệng với hơn 1 tấn Cloramin B cho tất cả các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn.

Đối với công tác phòng chống sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch dọn dẹp vệ sinh vào ngày thứ 7 cuối tuần. Tổ chức nhiều loại hình truyền thông đến tổ dân phố tại các phường, xã.

Để chặn đà gia tăng của bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, không để tình trạng dịch chồng dịch, BSCKI. Phan Văn Phúc - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai cho biết: "Hiện CDC Đồng Nai cùng với các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, kịp thời khống chế ổ dịch, không để lan rộng, kéo dài. Ngành y tế cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh tay chân miệng với ca nặng, có phân độ lâm sàng từ 2B trở lên. Tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị, đặc biệt là ca bệnh tay chân miệng nặng nhằm hạn chế thấp nhất ca bệnh tử vong. Thực hiện giám sát hoạt động về chiến dịch vệ sinh môi trường vào ngày thứ 7 cuối tuần và tăng cường triển khai phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Tới thời điểm này, sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, nên khi có những dấu hiệu của bệnh, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đối với các nhóm trẻ, cơ sở giáo dục mầm non nếu phát hiện ca bệnh tay chân miệng, phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục