Gia tăng nhiễm trùng da ở trẻ em

Linh Chi, icon
10:29 ngày 29/05/2018

VTV.vn - Thời gian vừa qua, số lượng trẻ nhiễm trùng da đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tăng đáng kể.

Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da thường gặp ở trẻ em với biểu hiện nổi mụn nước hay bóng nước gây đau, có thể ở mặt, cổ, tay chân và vùng mặc tã.

Bệnh này thường do 2 loại vi trùng là Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes. Khi da trẻ đã bị tổn thương do những bệnh khác như chàm, côn trùng đốt, trầy xước hoặc ghẻ ngứa sẽ càng dễ mắc bệnh chốc.

Các phụ huynh hãy chú ý các dấu hiệu sau đây của chốc lở, bệnh lý da thường gặp ở trẻ

Chốc thường biểu hiện dưới 2 dạng

Chốc không bóng nước (còn gọi là chốc có vảy cứng) là dạng thường gặp nhất. Thường do S.aureus nhưng cũng có thể do S.pyogenes. Biểu hiện đầu tiên là những mụn nước nhỏ li ti nhanh chóng vỡ ra, để lại nhiều vảy nhỏ có dịch, mủ trên nền da viêm đỏ. Dần dần chuyển thành những vảy màu vàng nâu che phủ vùng da bị tổn thương.

Chốc bóng nước luôn luôn do S.aureus gây ra. Độc tố của vi trùng này tạo ra những bóng nước to, lúc đầu trong sau đó đục dần. Những bóng nước này thường lâu vỡ.

Chốc dễ lây lan khi tiếp xúc với vùng da bị nhiễm trùng hoặc khi sử dùng chung quần áo, khăn tắm, ra giường. Nếu bệnh chỉ ảnh hướng đến một vùng da nhỏ (và không phải là loại chốc bóng nước) thì có thể điều trị bằng kháng sinh thoa da. Nhưng nếu ảnh hưởng trên diện rộng cần dùng kháng sinh uống.

Cần cắt ngắn móng tay của trẻ để tránh cào gãi gây nhiễm trùng lây lan ra những vùng da khác. Tắm rửa nhẹ nhàng mỗi ngày với nước xà phòng ấm để lấy đi những lớp vảy chốc.

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh chốc, hoặc trẻ đang điều trị chốc nhưng bị sốt hoặc vùng da xung quanh bị sưng, nóng đỏ... cần đưa trẻ đến khám bệnh ngay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục