Gia tăng trẻ nhập viện do tay chân miệng

Tuấn Bảo, icon
11:13 ngày 07/10/2020

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng.

Theo thống kê 3 tháng gần đây, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã tiếp nhận hơn 2.000 trẻ nhập viện, trong đó có gần 200 ca tiêu chảy, trên 200 ca viêm phổi. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nhiễm chân tay miệng là hơn 300 ca.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong.

Theo ThS.BS Đinh Xuân Hoàng, Trưởng Khoa Nhi, bệnh tay chân miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm:

- Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ nhiệt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

- Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, tránh hậu quả đáng tiếc. Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay chân miệng, cần đảm bảo:

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.

- Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục