Giới trẻ chuộng bóng cười, bỏ qua những cảnh báo về rối loạn thần kinh

Minh Đức, icon
06:38 ngày 17/06/2019

VTV.vn - Sử dụng bóng cười trong thời gian dài sẽ gây rối loạn đến hệ thần kinh, hậu quả là tay chân run rẩy, cơ thể mệt mỏi, rối loạn vận động, thậm chí là tổn thương tủy sống.

Nhiều người cho rằng, hút bóng cười (khí N2O) trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng thực tế, việc hít bóng cười dù ít hay nhiều, thời gian dài hay ngắn thì vẫn tổn hại đến cơ thể. Nhìn nhận đơn giản về cơ chế sử dụng bóng cười, việc hít bóng cười sẽ gây hạn chế trong việc phổi nhận oxy, hạn chế oxy được hấp thụ để cung cấp cho não và các bộ phận khác, nhẹ thì khiến người hít bóng cười cảm thấy mệt mỏi, mất sức, nặng thì gây nên những cơn co giật, run rẩy tứ chi, thậm chí là liệt do ảnh hưởng đến thần kinh.

Nói về tác hại của bóng cười, PGS.TS Trần Hồng Côn (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH QGHN) cho hay, khí N2O khi vào cơ thể qua được hô hấp sẽ tan trong máu, tác động đến thần kinh gây cảm giác như châm chích tại các chi, đi lại loạng choạng và gây cười. Những người mắc bệnh về tim mạch, hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít N2O lâu dài có thể dẫn tới ngừng thở.

BS Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân hít bóng cười bơm khí N2O ban đầu sẽ có cảm giác hơi tê tê, phấn khích, cười nghiên ngả. Nhưng loại khí này khi vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp đến tim mạch, hệ thần kinh gây tổn hại. Khí N2O là nhóm chất gây nghiện, tạo ảo giác, có xu hướng tăng liều khi sử dụng như ma túy. Người dùng dễ bị phụ thuộc và nghiện. Lạm dụng bóng cười quá mức trong thời gian dài sẽ gây ngạt khí do thiếu oxy, thậm chí suy hô hấp, ngạt thở, ức chế não dẫn đến thiệt mạng.

Đã có rất nhiều trường hợp người hít bóng cười phải nhập viện sau khi hít bóng cười trong thời gian dài với những triệu chứng tổn thương thần kinh, tủy sống như nôn mửa, cơ thể mất sức, tứ chi không thể hoạt động bình thường, giảm vận động, tê bì tay chân, đi lại không vững... Những trường hợp này được xác định là bị ngộ độc khí N2O, nếu người hít bóng cười còn sử dụng thêm rượu, shisha hay ma túy thì còn có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, sử dụng bóng cười khiến người dùng lờ đờ, đi đứng loạng choạng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, thiếu máu. Khi ấy dây thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi. Tùy theo cơ địa và sức khỏe của mỗi người mà cảm giác này mà các biểu hiện nói trên ở mức khác nhau, với những người có sức khỏe kém thì hệ thần kinh thực vật có thể càng bị mệt mỏi nghiêm trọng.

Nguy hiểm hơn, khi đã quá quen ảo giác của bóng cười, người dùng sẽ cảm thấy nó không tạo ra nhiều kích thích nữa, lúc này họ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc. Đây là điều đáng lo ngại khi người sử dụng bóng cười nhiều nhất là các thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển, thần kinh còn chưa ổn định nếu lạm dụng loại khí cười này sẽ càng nguy hiểm.

Tháng 5/2019, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đồng ý với việc ngừng cho phép sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí như dùng để bơm vào bóng cười, chỉ được sử dụng trong công nghiệp. Loại khí này cũng đã được đưa vào danh sách cấm sử dụng tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Cũng trong tháng 5 vừa qua, Bộ Công An đã tiến hành nghiên cứu đề xuất đưa bóng cười vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để căn cứ đấu tranh. Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đưa rất nhiều thông tin về những trường hợp sử dụng bóng cười bị tổn thương sức khỏe nghiêm trọng, nhưng vẫn có một bộ phận giới trẻ "bất chấp", đánh cược mạng sống của mình để đổi lấy những hơi bóng cười độc hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục