Glôcôm: bệnh nguy hiểm gây mù lòa

P.V, icon
08:16 ngày 21/05/2019

VTV.vn - Trong các nguyên nhân gây mù 2 mắt, bệnh Glôcôm đứng vị trí thứ 3 sau bệnh đục thủy tinh thể và các bệnh bán phần sau.

Hình minh họa.

Bệnh Glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) là tên gọi của một nhóm bệnh có đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. Trong các bệnh gây mù lòa về mắt, bệnh Glôcôm được xếp vào loại mù lòa không chữa được.

Bệnh Glôcôm là bệnh lý của dây thần kinh thị giác. Do vậy, các hậu quả cơ bản của nó là tổn hại chức năng thị giác thể hiện qua 2 khía cạnh: tổn hại trường nhìn (vùng mà mắt bao quát được), co hẹp từ ngoại vi, ám điểm cạnh trung tâm và tổn hại thị lực trung tâm và dẫn đến mù lòa.

Theo TS.BS Đỗ Tấn, Trưởng Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh Glôcôm gây tổn hại các tế bào hạch võng mạc. Các tế bào này không có khả năng tăng sinh. Bệnh có 2 dạng lâm sàng chính: Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Bệnh Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện cơ năng rầm rộ như: nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Bệnh Glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm, mang tính mạn tính: không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng.

Bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được bệnh Glôcôm. Để chẩn đoán được cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), làm thị trường và soi đáy mắt để đánh giá dây thần kinh thị giác.

Mục đích của việc điều trị Glôcôm là ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Đối với Glôcôm góc mở thì điều trị ban đầu là dùng thuốc hạ nhãn áp, trong trường hợp nhãn áp không điều chỉnh với thuốc thì phải điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Còn với Glôcôm góc đóng giai đoạn sớm có thể điều trị dự phòng bằng laser, giai đoạn muộn thường phải phẫu thuật.

Bệnh Glôcôm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi địa phương. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc Glôcôm: trên 35 tuổi, người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm, có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân), bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp...

Điều trị và theo dõi Glôcôm là suốt đời, bệnh chỉ ổn định chứ không khỏi hẳn. Do vậy, bệnh nhân khi mắc bệnh Glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

TS.BS. Đỗ Tấn khuyến cáo: không có điều trị dự phòng đối với bệnh Glôcôm nhưng mù lòa do bệnh Glôcôm có thể phòng tránh được bằng cách phát hiện sớm, nên khám các bệnh về mắt (trong đó có bệnh Glôcôm) ít nhất 1 lần/năm. Những người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm nên chủ động đến cơ sở nhãn khoa để sàng lọc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục