Hạt đậu phộng "cư trú" 2 tháng trong phổi bé gái, gây nhầm tưởng là hen suyễn

P.V, icon
07:23 ngày 08/01/2020

VTV.vn - Bé gái 3 tuổi ở Long An thở khò khè được gia đình đưa đi khám với chẩn đoán viêm phổi, theo dõi suyễn...

2 tháng trước đó, bé đang ăn đậu phộng thì hóc sặc, có ói ra vài hạt đậu phộng. Mẹ bé yên tâm nghĩ không còn dị vật nào dù con khò khè và hay ho kéo dài từ đó. Thấy bé ngày càng khó thở sau một thời gian dài điều trị kháng sinh, xông thuốc nhiều nơi, gia đình đưa bé đến khám Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Kết quả chụp X-quang phổi thẳng dù không phát hiện dị vật, nhưng có dấu hiệu ứ khí khu trú phổi trái trên phim. Kết hợp bệnh sử hóc sặc trước đó, kèm hội chứng xâm nhập khá rõ, các bác sĩ thuyết phục gia đình cho bệnh nhi nội soi đường thở kiểm tra dị vật.

Hạt đậu phộng cư trú 2 tháng trong phổi bé gái, gây nhầm tưởng là hen suyễn - Ảnh 1.

Tiến hành gây mê nội soi đường thở, các bác sĩ phát hiện có hạt đậu phộng nằm gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái, kích thước 5 mm. Sau khi được các bác sĩ gắp dị vật ra, sức khỏe của bệnh nhi dần ổn định, phổi bớt ứ khí, tình trạng viêm phổi cải thiện và đáp ứng kháng sinh điều trị hiệu quả.

Các bác sĩ cho biết, có không ít trường hợp dị vật đường thở của trẻ dễ bị tưởng nhầm thành viêm phổi, hen suyễn. Nhiều trẻ được cho dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng nề như như xẹp phổi, tạo áp xe mủ trong phổi, hoại tử, tràn khí màng phổi... Có những trường hợp để lại di chứng não suốt đời cho trẻ.

Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè lâu ngày, khó thở. Phụ huynh cần luôn để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch, những loại trái cây có hạt nhỏ...

Bên cạnh đó, nên cắt thức ăn làm nhiều mảnh nhỏ, cẩn thận khi chế biến và cho trẻ ăn các đồ ăn có xương. Tránh các thói quen nguy hiểm như bóp mũi nhét đồ ăn vào khi trẻ khóc, biếng ăn.

Ngoài ra, không nên cho trẻ chơi đồ chơi quá nhỏ, góc cạnh, có nhiều bộ phận dễ tách rời, chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ...

Khi phát hiện trẻ ngậm phải vật lạ trong miệng, cần giữ bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ. Không tự ý dùng tay móc dị vật trong họng. Khi dị vật đã lọt vào đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí đúng đắn, vỗ lưng ấn ngực kịp thời để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục