Hậu quả khôn lường khi lạm dụng truyền dịch

Nguyệt Ánh, Trọng Hoàng (Ban Thời sự), icon
06:00 ngày 31/01/2016

VTV.vn - Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Tim Hà Nội, đã phân tích hậu quả khôn lường khi lạm dụng truyền dịch.

Với kỹ thuật tiêm truyền tĩnh mạch không quá phức tạp, hiện tình trạng lạm dụng truyền dịch vẫn còn khá phổ biến. Nhiều người cho rằng, dịch truyền là chất "bổ" và muốn bổ sung khi thấy mệt mà không quan tâm đến việc các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ được dùng khi bác sĩ khám và kê đơn.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết: “Việc thấy mệt, khó thở là cho truyền dịch hoặc quan niệm truyền dịch có thể thay thế tất cả các phương pháp điều trị khác là hoàn toàn sai lầm. Đã có rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị phù phổi do truyền dịch sai, dẫn đến hậu quả khôn lường”.

Mối nguy hiểm hay gặp nhất trong truyền dịch là sốc. Trên thực tế, đã có người tử vong do không được xử lý sốc kịp thời khi truyền dịch tại nhà hoặc ở một số phòng mạch không đủ điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện cấp cứu khi tai biến xảy ra.

Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú: “Người truyền dịch tại nhà thường không có hộp chống sốc, nếu có thì chỉ đơn lẻ với vài ống Adrenaline. Do đó, nếu xảy ra sốc tại nhà, với các trang thiết bị thiếu thốn như vậy, rất khó khăn cho người làm nhiệm vụ cấp cứu. Trên thực tế, tất cả dịch truyền vào cơ thể đều mang tính hai mặt và có rất nhiều tác dụng phụ”.

Ngoài ra, nếu truyền dịch không đúng chỉ định, việc không tuân thủ các nguyên tắc vô trùng tuyệt đối trong truyền dịch có thể dẫn đến viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, việc truyền dịch nhất thiết phải được bác sĩ chỉ định và thực hiện ở cơ sở y tế đủ điều kiện xử lý khi xảy ra tai biến.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục