Kháng sinh không phải phao cứu sinh với bệnh viêm họng virus

Theo Dân trí, icon
06:00 ngày 05/12/2015

VTV.vn - Có tới 80% nguyên nhân viêm họng là do virus. Trên thực tế, kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn chứ không có tác dụng với virus.

Kháng sinh không phải là phao cứu sinh

Theo thống kê tại khoa Hô hấp, khoa Nhi của nhiều bệnh viện, 80% trường hợp viêm họng là do các loại virus như: rhinovirus, coronavirus, parainfluenza virus, virus cúm A/B, adenovirus, Epstein-Barr (EBV), herpes simplex (HPV)... gây ra.

Bên cạnh đó, các chất kích thích và chất gây dị ứng có thể làm “cháy” các lớp lót ở họng gây viêm họng gồm: không khí bị ô nhiễm, các hóa chất công nghiệp, thuốc xịt côn trùng, phấn hoa... Đặc biệt, vào mùa thu - đông với không khí khô hanh và lạnh hoặc đột ngột, thay đổi nhiệt độ, trẻ em rất dễ bị nhiễm lạnh và phát sinh bệnh viêm họng. Ngay cả khi thời tiết oi nóng và sử dụng điều hòa nhiệt độ không đúng cách cũng có thể khiến bé dễ dàng bị viêm họng. Với các trường hợp này, kháng sinh không có tác dụng.

Chỉ 20% trẻ viêm họng là do vi khuẩn và cần dùng đến kháng sinh. Chính vì vậy, cha mẹ cho bé dùng kháng sinh ngay sau khi phát hiện bé bị viêm họng là một quyết định vội vàng và mạo hiểm.

Phân biệt viêm họng virus với viêm họng do vi khuẩn

Phân biệt viêm họng do virus hay vi khuẩn gây nên không phải là điều đơn giản ngay cả đối với người có chuyên môn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có thể tự phân biệt với một số đặc điểm sau:

Theo các chuyên gia, trẻ bị viêm họng do virus thường có triệu chứng: đột ngột sốt cao, chảy nước mũi trong, đau họng, ho, đau mình mẩy... Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ suy giảm sau từ 3 - 5 ngày. Loại này chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị tuỳ theo triệu chứng.

Để hạ sốt, cha mẹ có thể chườm trán cho bé bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, lau người bằng nước ấm, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC, nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ.

Đối với trẻ bị viêm họng do vi khuẩn: ngoài các triệu chứng trên, bé còn bị nôn trớ, đau tai, tức ngực, tím tái... Bệnh sau 5 ngày không giảm mà còn nặng hơn. Lúc này, cha mẹ cũng không nên tự ý cho bé dùng kháng sinh mà hãy đưa bé đi trạm xá, bệnh viện ngay. Đặc biệt, chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sỹ chỉ định.

Ngoài ra, có thể dùng các thảo dược như: kha tử, quả la hán, chanh đào ngâm mật ong... để giảm các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (chảy nước mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan, ho, khan tiếng cấp và mãn tính).

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Cùng chuyên mục