Khó khăn trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Tuấn Bảo, icon
10:00 ngày 29/04/2018

VTV.vn - Công tác chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện được ngành y tế quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tuy nhiên không ít cơ sở y tế còn xem nhẹ nên đã xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Hình minh họa

Câu chuyện đau xót của vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong cùng một lúc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh là một bài học cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Cả 4 trẻ đều bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn đường huyết và việc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tại Bệnh viện Nhi Hải Dương trung bình một ngày có gần 200 trẻ đến khám, trong đó điều trị nội trú cho gần 300 bệnh nhân, số trẻ bị nhiễm khuẩn viêm đường hô hấp chiếm số lượng lớn. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiến hành phẫu thuật cho gần 500 trẻ, ngoài ra còn rất nhiều cháu bé đẻ thiếu tháng, nhẹ cân nuôi trong lồng ấp nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Thạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết: Bệnh viện đặc biệt chú trọng công tác chống nhiễm khuẩn như: vệ sinh phòng bệnh, khu điều trị, trang thiết bị đúng quy trình; 100% nhân viên y tế khi làm thủ thuật, trước, trong và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc làm thủ thuật phải tiến hành sát khuẩn tay bằng dung dịch hóa chất diệt khuẩn. Bệnh viện thường xuyên kiểm tra công tác chống nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng định kỳ, qua đó kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức tập huấn về công tác chống nhiễm khuẩn và xử trí các tình huống khi bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn…

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện tại 98% đơn vị đã có cán bộ phụ trách công tác nhiễm khuẩn nhưng nhiều cán bộ chưa có chứng chỉ, chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Hơn nữa, 70% cán bộ phụ trách đều kiêm nhiệm. Đây thực sự là khó khăn cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Qua kiểm tra tại các đơn vị, tỷ lệ tuân thủ các quy trình chưa cao, còn nhiều hiện tượng không thực hiện đúng các chỉ định vệ sinh tay trước khi chăm sóc người bệnh, khi chuyển từ người bệnh này sang chăm sóc người bệnh khác. Khi tiêm còn lưu kim trên lọ thuốc, hộp đựng dụng cụ vô khuẩn không có chỉ thị mầu; trong phòng phẫu thuật còn để đồ dùng cũ, gỉ, dụng cụ bằng gỗ không đảm bảo vô khuẩn phòng mổ.

Một số liệu từng được Cục quản lý Khám, chữa bệnh đưa ra: Có tới 36% lãnh đạo khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó chủ yếu là ở bệnh viện tuyến huyện, khu vực miền núi…; 79,1% nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo cơ bản về kiểm soát nhiễm khuẩn và hầu hết các bệnh viện chưa bảo đảm một nhân viên giám sát trên 150 giường bệnh..

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng biến chứng, tăng số ngày nằm điều trị, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị. Tất cả điều này làm tăng gánh nặng bệnh tật cho người bệnh và cả hệ thống y tế. Đây là vấn đề ngày càng được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. GS Thành cho hay, hằng ngày, tại Bệnh viện E vẫn gặp những tác nhân có thể nhìn thấy bằng mắt thường như rác thải, nước thải… có thể gây nên nhiễm khuẩn bệnh viện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục