Không chủ quan với bệnh sởi

Hồng Vân, icon
03:40 ngày 21/05/2020

VTV.vn - Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, suy dinh dưỡng thậm chí là tử vong.

Hình minh họa.

Bệnh sởi do virus sởi xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên, vào máu, sinh sản ở hệ lưới mô bào. Bệnh sởi lan truyền do dịch mũi, họng của người nhiễm bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Virus sởi lan truyền rất nhanh, có thể sau 2 giờ người lành hít phải những giọt nước trong không khí có nhiễm vi rút sởi mà người bệnh làm bắn ra, 90% trẻ em tiếp xúc với trẻ mắc bệnh sởi sẽ bị lây bệnh.

Bệnh thường xảy ra vào mùa khô, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh sởi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em dễ mắc bệnh hơn, bệnh dễ lây lan ra cộng đồng gây thành dịch.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, toàn quốc đã ghi nhận trên 600 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus sởi, một số địa phương có số mắc sởi trên 20 trường hợp gồm Hà Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương…

Khu vực Tây Nguyên 3 tháng đầu năm 2020 đã giám sát 74 trường hợp nghi mắc sởi - rubella, trong đó có 11 trường hợp dương tính với virus sởi.

Riêng Đắk Lắk từ đầu năm đến nay, có 11 trường hợp mắc sởi chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi (9/11 trẻ). Năm 2019, toàn tỉnh Đắk Lắk có 387 trường hợp mắc sởi, tăng 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, năm 2020, bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, việc tăng cường công tác giám sát, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, kịp thời khống chế không để dịch bùng phát là rất quan trọng.

Hiện bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vaccine phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục