Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Gia Nhi, icon
06:34 ngày 21/06/2023

VTV.vn - Trong thời gian gần đây, số ca bệnh tay chân miệng tại tỉnh Đồng Nai tăng cao, đáng lưu ý có nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, lọc máu.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Số ca bệnh tăng, nhiều bệnh nhi phải thở máy, lọc máu

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần 24 (từ 9/6 đến hết ngày 15/6), toàn tỉnh ghi nhận 283 ca mắc tay chân miệng, tăng 38,73% so với tuần trước (204 ca). Số ca tăng nhiều ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch. Cộng đồn từ đầu năm đến ngày 15/6, toàn tỉnh ghi nhận 1.389 ca.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, BSCKI. Nguyễn Thanh Quyền - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Nếu trước đây khoa có khoảng 10-12 bệnh nhi, thì hiện tại mỗi ngày khoa điều trị cho 35-40 trường hợp, trong đó chiếm nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt lứa tuổi 1-2 tuổi. Đáng lưu ý, những năm trước ít có ca nặng, nhưng năm nay số ca bệnh nặng tăng, bệnh nhi chuyển độ nặng rất nhanh, nên các y bác sĩ tại khoa phải theo dõi sát sao sức khỏe của từng trẻ để xử trí kịp thời.

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhi nặng, trong đó có nhiều trường hợp đang phải thở máy, lọc máu. Trường hợp nặng nhất là bệnh nhi P.H.T.M. (2 tuổi, ngụ phường Suối Tre, TP. Long Khánh). Trước đó, ngày 13/6, bệnh nhi được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai với bệnh tay chân miệng nặng và được các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu đặt nội khí quản thở máy, điều trị tích cực, sau đó chuyển bệnh nhi đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị.

ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhi, tình trạng bệnh tay chân miệng của bệnh nhi có biểu hiện viêm não, viêm cơ tim cấp, được điều trị rất tích cực, lọc máu liên tục ngay trong đêm, theo dõi huyết động xâm lấn liên tục và phối hợp thuốc trợ tim, vận mạch. Hiện, bệnh nhi vẫn tiếp tục được lọc máu, thở máy và được điều trị, theo dõi sát sao tại khoa.

"Từ đầu mùa dịch đến nay, tại khoa đã có 5 ca phải thở máy, trong đó có 2 ca nặng vừa thở máy vừa phải lọc máu. Trong 5 ca này có một ca đã phân lập là do tác nhân EV71 - là chủng virus tay chân miệng gây độc thần kinh nghiêm trọng nhất. Đây là tác nhân thường làm cho bệnh diễn tiến nặng, gây tổn thương não, tổn thương tim, tổn thương các cơ quan nhiều hơn, rất nguy hiểm. Hơn nữa, những năm trước khi gặp ca nặng được truyền thuốc Gammar globulin nhằm kháng lại virus, diễn tiến nặng sẽ dừng lại. Nhưng năm nay, chủng EV 71 diễn tiến rất khó lường, mặc dù bệnh nhân đã được truyền thuốc Gammar globulin nhưng diễn tiến bệnh vẫn nặng lên" - bác sĩ Trang cho hay.

Nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh để kịp thời điều trị cho trẻ

Chị Đặng Liễu Khánh, mẹ của bệnh nhi M. cho hay: Trước khi mắc bệnh tay chân miệng, bệnh nhi vẫn đi học bình thường, tuy nhiên khi đón ở chỗ gửi trẻ về thì bệnh nhi có biểu hiện nôn ói, mệt không chịu chơi. Đến tối, bệnh nhi không ngủ được, hay giật mình, sáng hôm sau sốt, run rẩy nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Sau đó, bệnh viện đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và được bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng đã chuyển nặng.

Theo bác sĩ Trang, không giống như các năm trước, năm nay số ca bệnh mắc tay chân miệng chuyển nặng nhanh, đặc biệt, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phân lập được chủng EV71, chủng này gây nhiều biến chứng nặng. Do vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi, sớm nhận biết dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ gồm: trẻ bị nổi bóng nước ở tay chân, ở mông gối, lở miệng ăn không được, sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt, trẻ ngủ bị giật mình.

"Bệnh tay chân miệng được phân làm 4 độ, trong đó độ 1 có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi thấy con có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa con đi khám để bác sĩ phân loại và phải tái khám hàng ngày để bác sĩ đánh giá khung độ hàng ngày, nếu trẻ chuyển độ cao hơn bác sĩ sẽ cho nhập viện để theo dõi và điều trị" - bác sĩ Trang lưu ý.

Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Người chăm trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để phòng bệnh cho trẻ và giữ vệ sinh tay cho trẻ. Phụ huynh cần tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục