Không nên xem nhẹ các triệu chứng của trầm cảm sau sinh

Mai Lê, Quang Nhật (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
06:00 ngày 20/05/2022

VTV.vn - Các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh thường không được chú ý, chỉ đến khi xảy ra nhiều hậu quả đau lòng, nhiều gia đình mới nghĩ đến dấu hiệu gợi báo của bệnh này.

Người mẹ mắc trầm cảm sau sinh có thể khiến mẹ bị suy nhược cơ thể, sụt cân, suy nhược thần kinh, hoảng hốt, căng thẳng, có những suy nghĩ hoang tưởng.

Sau khi sinh con được 1 tháng, chị M.T.K. (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên có dấu hiệu mệt mỏi, chán nản. Vì con khó, hay khóc đêm nên hầu như đêm nào chị cũng phải thức chăm con. Bên cạnh đó, mặc dù cố gắng ăn rất nhiều món lợi sữa nhưng sinh con đã mấy tuần, sữa mẹ về ít, không đủ sữa cho con bú nên chị thêm stress.

"Lúc đầu tôi cố gắng tâm sự với chồng nhưng rồi do tính chất công việc, chồng tôi quá bận nên dần dần tôi không còn muốn kể các vấn đề của mình nữa. Tôi cứ im lặng chịu đựng, nhưng chỉ sau đó một thời gian, tôi bắt đầu sợ khi nghe tiếng khóc của con, tôi cứ bị ám ảnh, bực bội vô cớ, nhiều khi không còn muốn chăm sóc con" - chị K. tâm sự.

Thấy tâm trạng chị K. bất ổn, mẹ chị đã nói chuyện và đưa đi viện khám. Sau khi được các bác sĩ tư vấn và điều trị, tâm trạng chị K. đã tiến triển tốt hơn. Chồng và mọi người trong gia đình phụ giúp chăm con, thường xuyên chia sẻ mọi chuyện nên chị không còn ý nghĩ tiêu cực.

Theo BSCKI. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Phòng Kế hoạch Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, trường hợp mắc trầm cảm sau sinh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời như chị K. rất may mắn. Thực tế thời gian qua, có không ít trường hợp bị trầm cảm sau sinh nhưng phát hiện trễ, tới khi xảy ra hậu quả đáng tiếc người thân mới biết vợ mình, con mình bị trầm cảm sau sinh.

Điển hình như năm 2021, tại huyện Krông Năng, một sản phụ đã ôm con ra bỏ ngoài sân cả đêm, bản thân mình thì tự cắt tay rồi dìm mình xuống ao để tự tử. Rất may gia đình phát hiện nên chuyển bệnh viện cấp cứu kịp thời. Sau đó, sản phụ được điều trị trầm cảm sau sinh tại Bệnh viện Tâm thần. Đến nay, trường hợp này đã hồi phục và khỏe mạnh bình thường.

Cũng theo bác sĩ Luyến, theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, khoảng 20% phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh. Riêng tại Đắk Lắk, tỷ lệ phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh cũng chiếm khoảng 20%. Trầm cảm sau sinh là một dạng của trầm cảm, các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh xuất hiện vào những tuần đầu hoặc kéo dài cả năm sau khi sản phụ sinh con.

Đối với người mẹ mắc trầm cảm sau sinh có thể khiến mẹ bị suy nhược cơ thể, sụt cân, suy nhược thần kinh, hoảng hốt, căng thẳng, có những suy nghĩ hoang tưởng. Khi đã bị trầm cảm sau sinh, người mẹ sẽ không có đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và đứa con sơ sinh được tốt.

Đặc biệt, khi trầm cảm nặng, người mẹ thường hay có tư tưởng, suy nghĩ tự tử, có các hành vi gây hại đến bản thân mình, thậm chí gây hại đến tính mạng của em bé. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con.

Hiện nay chưa nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố tác động dẫn tới trầm cảm sau sinh ở phụ nữ như do những thay đổi về nội tiết tố, tâm lý, xã hội, thể chất, tinh thần, mắc một số bệnh như bệnh nhược giác, thiếu vitamin B12 hoặc bị các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, làm mẹ đơn thân, sinh con bị dị tật, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sinh con ở tuổi vị thành niên, không có sự chăm sóc giúp đỡ của gia đình, nhất là người chồng…

Dấu hiệu nhận biết chung đó là cảm thấy buồn chán, thất vọng, lo âu, ăn ngủ bất thường, kém tập trung chú ý, tự ti với bản thân, cảm thấy không có đủ năng lực nuôi con, chăm con, từ đó nảy sinh ý định gây hại cho bản thân hoặc em bé.

Bác sĩ Luyến cho biết: Để điều trị trầm cảm sau sinh cần kết hợp điều trị thuốc và tâm lý. Vì phụ nữ sau sinh còn phải cho con bú, có nhiều loại thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng đến sữa mẹ và em bé, do đó, điều trị tâm lý được đặt lên hàng đầu. Trường hợp bệnh nặng, buộc phải cai sữa em bé và điều trị bằng thuốc trầm cảm.

Trong quá trình điều trị trầm cảm sau sinh, vai trò của người chồng và người thân trong gia đình rất quan trọng. Cần có sự chia sẻ, cảm thông, động viện của người chồng và chia sẻ, giúp đỡ trong công việc, chăm con sẽ giúp quá trình điều trị đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ thực hiện đúng phác đồ, uống thuốc đủ liều, theo dõi và báo ngay với cơ sở điều trị nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Để phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh, trước khi mang thai, người phụ nữ cần phải có kiến thức về tiền sản, tiền hôn nhân, kiến thức về chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trong thời gian mang thai, bên cạnh việc chăm sóc về sức khỏe, phụ nữ mang thai nên tạo cho mình một tinh thần thoải mái, giải tỏa stress, không gây áp lực cho chính mình. Khi có tâm sự, áp lực cần chia sẻ cho chồng, người thân trong gia đình, bạn bè, không nên giấu kín những khó khăn gặp phải. Học cách đối đầu với hoàn cảnh mắc phải.

"Các triệu chứng ban đầu khi mắc trầm cảm sau sinh biểu hiện không rầm rộ, không gây hại cho sức khỏe tức thì do đó thường hay bị bỏ qua dẫn đến việc không phát hiện bệnh sớm để điều trị. Đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có suy nghĩ tự tử và có các hành động gây hại cho bản thân hoặc em bé mới phát hiện mắc bệnh. Lúc này quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh trầm cảm sau sinh mà cần tìm hiểu, có những kiến thức cơ bản về bệnh để có thể kịp thời phát hiện điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả cao và tránh được các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra", bác sĩ Luyến chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục