Làm chủ kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời phức tạp

Tuấn Bảo, icon
08:38 ngày 24/09/2020

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu làm chủ kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời, thực hiện các ca nối ghép phức tạp với kết quả khả quan.

Mới đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã phẫu thuật nối thành công liên tiếp 2 trường hợp tai nạn đứt rời ngón tay phức tạp.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân P.V.K. (36 tuổi, trú tại Hưng Hà, Thái Bình) không may bị thanh sắt đập vào bàn tay trái trong quá trình lao động khiến ngón 4 bị dập nát, đứt gần rời, chỉ còn dính ít gân và da.

Kíp phẫu thuật đã cắt lọc tổ chức dập nát, nối lại các phần đứt rời, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân cơ và kết hợp xương ngón tay. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, bàn tay được phục hồi nguyên hình dáng, ngón tay hồng ấm trở lại.

Làm chủ kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời phức tạp - Ảnh 1.

Một trường hợp nặng hơn là bệnh nhân Đ.H.K. (25 tuổi, trú tại Hà Khánh, Hạ Long, Quảng Ninh), đang làm việc thì bất cẩn bị máy cơ khí cắt đứt rời ngón 3 bàn tay phải.

Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân lập tức được chuyển phòng mổ cùng ngón tay đứt rời. Kíp mổ sử dụng bộ dụng cụ chuyên dụng để khâu nối mạch máu, thần kinh dưới kính hiển vi phẫu thuật. Sau 5 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã nối lại thành công mạch máu, thần kinh, gân cơ, kết hợp xương ngón giữa, trả lại bàn tay nguyên vẹn cho người bệnh.

Đến nay, ngón tay đã cử động được nhẹ nhàng và được tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Làm chủ kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời phức tạp - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Văn Năng, Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Đây là 2 ca khá phức tạp, một ca gần như đã đứt lìa, chỉ còn dính chút da và gân, một ca ngón tay đã đứt rời hoàn toàn. Tuy nhiên, đánh giá khả năng phục hồi cao nên các bác sĩ đã quyết tâm phẫu thuật nối lại để đảm bảo chức năng bàn tay cũng như tính thẩm mỹ cho người bệnh.

Trước đây, khi chưa triển khai kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời thì những trường hợp tai nạn như 2 bệnh nhân trên thường sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến Trung ương, song sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong quá trình di chuyển, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trong trường hợp tai nạn mất nhiều máu. Từ cuối năm 2019, Khoa Chấn thương chỉnh hình đã ứng dụng triển khai kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời cho gần chục ca chấn thương phức tạp, như: trường hợp bàn tay bị cối xay nghiền nát biến dạng hay tai nạn gãy dập xương, mất đoạn mạch và đứt gần rời cẳng chân với kết quả phục hồi tốt, duy trì cơ bản chức năng vận động, giúp mang lại dáng vẻ nguyên vẹn cho người bệnh.

Làm chủ kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời phức tạp - Ảnh 3.

ThS.BS Lương Toàn Thắng, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình cho hay: Vi phẫu là kỹ thuật phẫu thuật rất tinh vi, sử dụng để nối ghép những mạch máu, thần kinh nhỏ ở khắp nơi trên cơ thể. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề, kỹ năng phẫu tích khéo léo, thuần thục, nắm chắc về giải phẫu, hình thái cơ thể, kể cả mạch máu nhỏ.

Đối với các tai nạn đứt rời chi thể, các bác sĩ khuyến cáo: Trong trường hợp gặp nạn nhân tai nạn bị đứt rời chi cần gọi ngay cấp cứu, nếu có thể hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy, bảo vệ tính mạng người bệnh. Đồng thời, bảo quản bộ phận đứt rời đúng cách và lập tức chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ cấp cứu và thực hiện phẫu thuật nối chi kịp thời.

Cách bảo quản đúng là nên cho phần đứt rời vào túi nylon sạch thổi căng hơi, buộc kín lại và nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó, buộc kín bỏ vào thùng nước đá ở nhiệt độ 4-5 độ C. Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh. Các cơ quan bộ phận bị đứt lìa bảo quản đúng cách trong giới hạn 6 giờ thì khi nối lại có tỷ lệ thành công cao và phục hồi các chức năng sau nối tốt hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục