Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

Lê Thạch, icon
02:33 ngày 14/04/2018

VTV.vn - Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước. Tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ em, và xảy ra nhiều nhất vào mùa hè.

Hình minh họa

Tại Khoa Tiêu hóa bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tiêu chảy ngày càng tăng. Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, thường gặp hơn là gây suy dinh dưỡng cho trẻ vì giảm hấp thu do tổn thương niêm mạc ruột. Cần cho trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, tiểu ít, khô miệng và khô da.

Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy

Tiêu chảy thường được gây ra bởi nhiễm trùng tiêu hóa do virus, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng, rất dễ lây qua các con đường sau:

- Không vệ sinh tay trước khi ăn;

- Thực phẩm không được bảo quản tốt hoặc nguồn nước bị ô nhiễm;

- Thực hành ăn dặm chưa đúng cách, ví dụ cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn mới lạ trong một lúc;

- Dụng cụ cho trẻ ăn không được rửa sạch như: bát, đĩa, cốc, chén;

- Tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây: người bệnh, chất nôn…

Một nguyên nhân phổ biến của bệnh tiêu chảy là viêm dạ dày ruột do virus. Nhiều loại virus khác nhau có thể gây ra tiêu chảy, triệu chứng này thường kéo dài chỉ một vài ngày và thường ổn định trong 1 tuần.

Nhiễm rotavirus là nguyên nhân thường gặp của viêm dạ dày ruột do virus ở trẻ em. Đây chính là nguyên nhân gây tiêu chảy nặng và mất nước nhiều, mặc dù không phải tất cả các trẻ nhiễm rotavirus sẽ có triệu chứng. Tuy nhiên, với vaccine cho trẻ dưới 5 tháng tuổi có thể ngăn chặn khoảng 75% các trường hợp nhiễm rotavirus.

Tiêu chảy có thể do dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose, hoặc các bệnh về đường tiêu hóa, như bệnh celiac và bệnh viêm ruột, hay do tình trạng loạn khuẩn do sử dụng kháng sinh phổ rộng, kéo dài.

Các biểu hiện và triệu chứng của trẻ khi bị tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy, các triệu chứng thường bắt đầu bằng cơn đau bụng tiếp theo là tiêu chảy thường kéo dài không quá một vài ngày. Một vài triệu chứng khác, chẳng hạn như: sốt, nôn, giảm cân, dấu hiệu mất nước.

Trong những trường hợp viêm dạ dày ruột do virus, trẻ em thường bị sốt và nôn đầu tiên, tiếp theo là tiêu chảy.

Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy

Vẫn cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược và thiếu ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.

Khi nào cần đưa trẻ tiêu chảy đi khám

Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi

Trẻ hơn 6 tháng tuổi có kèm các triệu chứng:

- Tiêu chảy nghiêm trọng (đi chảy nhiều lần, phân lỏng nhiều nước) hoặc tiêu chảy hơn 1 tuần.

- Sốt trên 39oC hoặc cao hơn.

- Nôn mửa lặp đi lặp lại, từ chối uống nước hoặc không uống được.

- Đau bụng dữ dội.

- Tiêu chảy có chứa máu hoặc chất nhầy.

Trẻ có các dấu hiệu của mất nước

- Môi khô.

- Khát nước, uống háo hức.

- Đôi mắt trũng sâu, thóp lõm.

- Tiểu ít.

- Thờ ơ hoặc dễ cáu gắt.

- Mệt mỏi hoặc chóng mặt trong một đứa trẻ lớn tuổi.

Chăm sóc cho trẻ khi bị tiêu chảy

- Tiêu chảy nhẹ thường không gây ra vấn đề nếu trẻ vẫn hoạt động bình thường, uống và ăn đầy đủ. Tiêu chảy nhẹ thường qua đi trong vòng một vài ngày và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn khi được chăm sóc tại nhà, nghỉ ngơi, và uống nhiều nước.

- Trẻ bị tiêu chảy nhẹ không mất nước hoặc ói mửa có thể tiếp tục ăn uống các loại thực phẩm thông thường bao gồm cả sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ theo lứa tuổi. Trong thực tế, một chế độ ăn uống hợp lý có thể giảm bớt thời gian tiêu chảy. Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ đảm bảo nguồn năng lượng để chống lại tác nhân gây bệnh và nhanh chóng phục hồi lại niêm mạc ruột bị hư tổn.

- Cân nhắc việc sử dụng kháng sinh trong điều trị tiêu chảy. Kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp có bằng chứng (xét nghiệm) tiêu chảy do nhiễm khuẩn và có chỉ định của bác sĩ.

- Nếu bệnh được gây ra bởi một loại ký sinh trùng, nó có thể được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng để chữa bệnh hoặc rút ngắn thời gian của bệnh.

- Các vấn đề chính cần quan tâm khi điều trị tiêu chảy là sự bù đắp của nước và chất điện giải (muối và khoáng chất) bị mất từ cơ thể do tiêu chảy, nôn mửa và sốt.

Phòng bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và hầu như chúng ta không thể ngăn chặn sự tiếp xúc của các tác nhân gây bệnh tiêu chảy với trẻ. Sau đây là một số biện pháp:

- Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi sử dụng nhà vệ sinh và trước khi ăn. Rửa tay là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng tiêu chảy được truyền từ người này sang người khác.

- Bảo quản nguồn thức ăn sạch sẽ, tránh bị ôi thiu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục