Lấy sỏi san hô cho người bệnh tiểu đường, suy thận độ 3

Sao Mai, icon
06:09 ngày 18/05/2024

VTV.vn - Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark (Đồng Nai) vừa phẫu thuật thành công sỏi san hô cho nam bệnh nhân 57 tuổi.

Sỏi san hô được lấy ra từ thận bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân bị đau lưng hông 2 bên, lên cơn sốt và cảm giác ớn lạnh liên tục.

Bệnh nhân được BSCKII. Cao Xuân Thành - Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng, kết quả cho thấy bệnh nhân bị sỏi san hô thận phải kích thước 38mm. Bản thân bệnh nhân lại đang mắc bệnh tiểu đường, suy thận độ 3 và đã trải qua nhiều lần phẫu thuật lấy sỏi thận.

Sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng về tình trạng bệnh và phương pháp điều trị, bệnh nhân đã quyết định phẫu thuật. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, sỏi san hô được lấy ra hoàn toàn. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và đang trong quá trình hồi phục.

Được biết, đây là lần phẫu thuật thứ 7 của bệnh nhân liên quan đến sỏi thận sau 6 lần phẫu thuật tại các cơ sở y tế khác

BSCKII. Cao Xuân Thành cho biết, sỏi san hô là loại sỏi phức tạp, có hình dạng giống như san hô và thường chiếm hết các đài thận, bể thận. Loại sỏi này thường gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy thận, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

"Để phòng ngừa sỏi thận, người dân cần uống đủ nước (ít nhất 2-2,5 lít nước mỗi ngày để giúp pha loãng nước tiểu và ngăn ngừa sự hình thành sỏi); hạn chế muối (ăn nhạt, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày); hạn chế thực phẩm giàu oxalat (các loại rau như: rau muống, mồng tơi, rau dền, củ cải đường, cần tây, các loại hạt như đậu phộng, óc chó, hạnh nhân...); tăng cường thực phẩm giàu canxi (sữa, sữa chua, phô mai...). Ngoài ra, cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời" - bác sĩ Thành khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục