Mắc ung thư hiếm gặp vì chủ quan không đi khám

Tuấn Bảo, icon
08:46 ngày 19/11/2018

VTV.vn - Do chủ quan không đi khám trong 1 năm khi có biểu hiện bất thường, bệnh nhân N.T.T.N. (29 tuổi, Hà Nội) đã bất ngờ phát hiện ra ung thư xương khi đến bệnh viện khám.

Hình minh họa (Ảnh: guardian)

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền - chuyên khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa Medlatec, bệnh nhân phát hiện ở vị trí phần mềm 1/3 đùi trái có khối sưng to làm thay đổi chu vi đùi trái so với đùi phải hơn 10cm, sờ nóng, mật độ chắc, ấn đau. Khối này phát triển chủ yếu mặt sau đùi trái gây chèn ép ảnh hưởng đến vận động gấp gối trái của bệnh nhân.

Trước các triệu chứng lâm sàng bất thường đó, bệnh nhân N. đã được chỉ định làm các cận lâm sàng. Kết quả siêu âm vùng mềm đùi trái sát màng xương 1/3 dưới xương đùi trái có khối giảm âm không đều rất lớn dạng tổ chức, có tín hiệu mạch trên siêu âm Doppler và hình ảnh trên phim X-quang xương đùi trái.

Sau đó, bệnh nhân được trực tiếp sinh thiết mở, kết quả chẩn đoán xác định: sarcoma sụn đùi trái mức độ biệt hóa vừa và được chuyển tuyến chuyên khoa để điều trị.

Theo bác sĩ Huyền, sarcoma sụn là khối u xương phổ biến thứ 2 và chiếm khoảng 25% trong tổng số các trường hợp u xương ác tính. Những khối u này xuất hiện nhiều ở những tế bào sụn và có thể phát triển nhanh hoặc phát triển chậm.

U nguyên phát thường xuất hiện ở xương dài như xương đùi hoặc ở khung chậu, nếu thứ phát là do thoái hóa của u sụn hay u xương sụn.

Ung thư xương là khối u ác tính xuất phát từ tế bào của xương đó là tế bào xương tạo sụn, tế bào mạch máu và liên kết. Bệnh ung thư xương hiếm gặp, chiếm khoảng 0,2 - 0,5% trong các bệnh ung thư. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở thanh thiếu niên, nam nhiều hơn nữ.

Dấu hiệu ung thư xương

Nếu xuất hiện một trong số triệu chứng thường gặp sau, người bệnh nên khám ngay để loại trừ ung thư xương đó là:

- Đau hông lưng, đau các xương dài dai dẳng không rõ nguyên nhân.

- Đau xương khớp tăng về đêm, mệt mỏi, sút cân, vận động khó khăn.

- Có cảm giác đau nhức xương do khối u đè nén lên các dây thân kinh và mạch máu.

- Xuất hiện khối u cứng, khi ấn nhẹ có thể gây đau hoặc không đau.

- Xương dễ gãy hoặc gãy xương không có chấn thương, dị tật xương.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị ung thư xương, ví dụ như:

- Bức xạ ion hóa (Ung thư xương xuất hiện sau tia xạ).

- Chấn thương.

- Rối loạn di truyền.

- U xương lành tính chuyển dạng ác tính.

Bác sĩ Huyền khuyến cáo: ung thư là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại, vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị bệnh giai đoạn sớm. Đồng thời, nếu phát hiện những thay đổi bất thường, người dân đi khám cần báo ngay cho bác sĩ biết để có hướng chẩn đoán và xử lý kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục