Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?

Trương Hằng, icon
09:20 ngày 25/05/2020

VTV.vn - Đây là câu hỏi của không ít người khi hiến máu, Vậy thực tế, các bệnh nhân đang điều trị sẽ nhận máu thế nào, nhất là các bệnh nhân nghèo...?

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, số lượng người bệnh được nhận máu có hoàn cảnh khó khăn chiếm tỷ lệ rất lớn, bởi những người bị bệnh máu thường phải điều trị lâu dài. Đặc biệt với người bệnh tan máu bẩm sinh, những người phải truyền máu suốt cuộc đời, đa phần họ ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế vốn nhiều khó khăn. Với họ, đến chi phí đi lại, ăn uống khi đi viện còn không có, chưa nói đến chi phí điều trị.

Mới có 4 tuổi nhưng đã 3 năm nay, tháng nào cháu Triệu Văn Quyền cũng phải truyền máu. Nhà cháu thuộc vùng dân tộc đặc biệt khó khăn ở Cao Bằng, nơi người dân chỉ biết dựa vào nương rẫy và chạy ăn từng bữa.

Máu hiến tặng có đến được với người nghèo? - Ảnh 1.

Cuộc sống chỉ biết dựa vào nương rẫy, bố cháu Quyền lại bị tật ở tay, chân - nên ước mơ của cả gia đình là con được đi viện và cơm đủ no.

Mỗi khi đưa con đi viện, cháu không chỉ được truyền máu và hầu hết các chi phí điều trị đều được bảo hiểm thanh toán mà còn được nhận suất cơm miễn phí từ ngân hàng suất ăn từ thiện.

Một trường hợp khác: Anh Hà Hải Dương (sinh năm 1993, Phú Thọ) là một trong những hoàn cảnh rất đáng thương ở Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Gia đình anh chỉ còn 2 bố con sống trong một căn nhà lụp xụp. Bố anh bị lao phổi, còn mẹ đã mất hơn 10 năm trước. Anh có một chị gái cũng bị bệnh tan máu bẩm sinh nhưng đã không còn vì không được điều trị.

Đến năm 2009, khi đã 16 tuổi, anh mới biết mình bị tan máu bẩm sinh. Do điều trị muộn nên anh chỉ nhỏ bé và yếu ớt như một cậu bé. Trong hơn 10 năm qua, nếu không có hàng trăm đơn vị máu hiến tặng, thì có lẽ số phận của anh cũng không khác người chị gái xấu số của mình.

Máu hiến tặng có đến được với người nghèo? - Ảnh 2.

Anh Hà Hải Dương (bên trái) đã được nhận hàng trăm đơn vị máu trong hơn 10 năm qua.

Bị một căn bệnh máu di truyền hiếm gặp: bất thường chức năng tiểu cầu, hai chị em Lò Ngọc Dương Châu và Lò Hà Tường Vy (dân tộc Thái ở Sơn La) cũng phải sống phụ thuộc vào chế phẩm máu. Hai cháu thường xuyên bị chảy máu khó cầm và cần truyền tiểu cầu để cầm máu, cũng như phải truyền máu những khi mất máu quá nhiều. Cả hai con cùng bị bệnh nên hoàn cảnh gia đình 2 cháu rất khó khăn.

Tháng 3/2020, Lò Ngọc Dương Châu bị chảy máu cam ồ ạt, nôn cả ra máu và phải đi cấp cứu. Lúc này do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng máu cũng như tiểu cầu trong kho máu sụt giảm nghiêm trọng. Nếu không có nỗ lực kêu gọi người dân hiến máu và tổ chức hiến máu an toàn, các em cũng không có máu để cấp cứu, điều trị.

Máu hiến tặng có đến được với người nghèo? - Ảnh 3.

Hai chị em người dân tộc Thái ở Sơn La phải thường xuyên bị chảy máu khó cầm và cần truyền tiểu cầu để cầm máu, cũng như phải truyền máu những khi mất máu quá nhiều.

Theo các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: Dù người bệnh giàu hay nghèo, căn cứ để ưu tiên cấp phát máu luôn là tình trạng sức khỏe của người bệnh, chứ không phải điều kiện kinh tế. Với những ca cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ sẽ càng phải cố gắng bằng mọi giá để có máu truyền cho người bệnh trước tiên.

Vì vậy, trước nỗi băn khoăn của một số người: "Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?", các bác sĩ ở đây khẳng định: Mỗi đơn vị máu hiến tặng là một nghĩa cử cao đẹp, đều sẽ thực hiện đúng sứ mệnh của mình là đem hy vọng đến cho những người bệnh đang cần tiếp thêm sự sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục