Mới 3 tuổi, bé gái trải qua 2 lần mổ tim

Văn Thành, icon
07:41 ngày 28/05/2020

VTV.vn - Bé T.P.B.C (sinh năm 2017, trú tại Đà Nẵng) sinh ra với trái tim không được toàn vẹn, bé được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh nặng.

Kể về quá trình phát hiện bệnh, mẹ của bé cho biết: Lúc mới sinh bé không nằm bú được, phải bồng lên mới cho bú được, cũng hay nôn trớ sữa ra. Đến một ngày, chị thấy các đầu chân tay của bé tím hết lại nên đến bệnh viện kiểm tra thì được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh nặng.

Tháng 6/2018, bé nhập viện trong tình trạng nguy cấp với triệu chứng khó thở, tím toàn thân. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, bé được đặt nội khí quản thở máy hoàn toàn. Đánh giá tình hình nguy cấp, các bác sĩ trong ekip phẫu thuật tim lập tức tiến hành mổ cấp cứu, đặt cầu nối chủ phổi tạm thời để đưa máu lên phổi cứu lấy mạng sống cho bé.

Qua cơn nguy cấp, sức khỏe dần đi vào ổn định nhưng dị tật ở tim vẫn chưa được điều trị triệt để do thể trạng sức khỏe chưa cho phép.

Tháng 5/2020, gần 2 năm chung sống cùng trái tim vốn không khỏe, sức khỏe bé ngày càng chuyển biến theo chiều hướng xấu, thường xuyên rơi vào tình trạng khó thở, tay chân tím tái. Sau nhiều lần hội chẩn, đánh giá, các bác sĩ tại Khoa Tim mạch Lồng ngực quyết định phẫu thuật sửa toàn bộ dị tật tim bẩm sinh APSO type II cho bé.

Sau 6 giờ, ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, lỗ thông liên thất đường kính 15mm được vá bằng màng ngoài tim nhân tạo, đặt Conduit động mạch phổi có van (động mạch phổi nhân tạo) nối từ thất phải vào 2 nhánh động mạch phổi. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bé ổn định, hết tím, không ho, không sốt, phổi thông khí tốt và tự thở hoàn toàn sau 3 ngày thở máy.

Mới 3 tuổi, bé gái trải qua 2 lần mổ tim - Ảnh 1.

Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa Tim mạch Lồng ngực cho biết: APSO type II là một dị tật tim bẩm sinh tim tương đối phức tạp gồm vách liên thất không lành lặn kèm không có thân động mạch phổi, máu chỉ có thể lên phổi để trao đổi oxy bằng những nhánh nhỏ. Trước đây, bé chỉ được phẫu thuật tạm thời làm cầu nối đưa máu lên phổi để giúp kéo dài sự sống, giảm triệu chứng còn dị tật ở tim thì chưa sửa được. Nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, sau lần mổ thứ 2, toàn bộ các dị tật ở tim của bé đã được phẫu thuật sửa hoàn toàn, đồng thời đặt động mạch phổi nhân tạo có van. Hiện tại, tim của bé đã bình thường về cấu trúc cũng như chức năng giống như các quả tim bình thường khác.

Đối với những trường hợp trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh tim phức tạp như APSO type II, người nhà cần đưa trẻ tái khám định kỳ để xem diễn biến của động mạch phổi. Trong một số trường hợp, trẻ cần tái phẫu thuật để thay động mạch phổi đã đặt trước đó vì khi trẻ càng lớn kích thước của động mạch phổi có thể không còn tương thích với tim.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục