Muồng trâu: Vị thuốc chuyên trị táo bón

Tuấn Bảo (tổng hợp), icon
09:01 ngày 19/06/2018

VTV.vn - Đây là vị thuốc có thể đương đầu với chứng bệnh nằm ở đoạn cuối đường ruột - đó là chứng táo bón.

Muồng trâu: Vị thuốc chuyên trị táo bón.

Muồng trâu mọc hoang khắp nơi. Ngoài ra, cũng được trồng ở các vườn thuốc trạm y tế, vườn nhà người dân (làm hàng rào, làm cây cảnh). Có thể trồng bằng cành hoặc bằng hạt. Cây ưa đất cao ráo, ẩm ướt. Người ta thường thu hái lá và thân vào mùa hè thu, trước khi cây ra hoa. Dùng tươi hay phơi nắng cho khô. Quả thu hái vào tháng 10-12, lấy hạt phơi khô hay dùng tươi.

Một số nghiên cứu dược lý gần đây cho thấy lá muồng trâu có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn, kháng viêm, bảo vệ gan, ức chế xơ gan, lợi mật; nên có triển vọng trong nghiên cứu làm thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan cấp và mạn tính cũng như làm thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS.

Theo Đông y, các bộ phận của cây có vị hơi đắng, mùi hăng hắc, tính mát; có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Nếu sao vàng thì nhuận gan, tiêu thực, tiêu độc, tiêu viêm. Lá có vị cay, tính ấm; có tác dụng sát trùng, chống ngứa. Thường được dùng chữa táo bón, nhiều đờm; phù thũng, đau gan, vàng da. Lá dùng trị viêm da thần kinh, hắc lào, thấp sang, mụn rộp, ghẻ lác ngứa lở người da.

Cách dùng phổ biến chữa táo bón là lấy cành, lá, rễ hoặc hạt sắc nước uống. Bột lá hoặc bột thân uống hằng ngày với liều thấp (4-8g) dùng nhuận tràng, và với liều cao (10-12g) dùng xổ. Hạt dùng với liều 2-4g để nhuận tràng, với liều cao 5-8g dùng xổ. Lá giã nát, lấy nước bôi hoặc xát chữa bệnh ngoài da; nếu thêm một ít muối hoặc dịch quả chanh, tác dụng mạnh hơn. Lá còn dùng trị ghẻ lác cho gia súc.

Theo kinh nghiệm riêng của ngườiđã điều chế "Độc vị nhuận tràng hoàn" để điều trị chứng táo bón rất hiệu quả. Bài thuốc chỉ có độc vị lá Muồng trâu phơi khô, sấy giòn, tán bột mịn, luyện mật ong làm hoàn mềm bằng cỡ đầu ngón tay cái (6g/ hoàn). Để nhuận trường, người lớn uống 1 hoàn, ngày 1-2 lần, trẻ em tùy tuổi dùng bằng 1/3 đến ½ liều người lớn. Để tẩy xổ dùng liều gấp đôi. Lưu ý không dùng cho phụ nữ có thai.

Dưới đây là một số đơn thuốc khác có dùng Muồng trâu:

Toa Căn Bản: Muồng trâu 4g, Rễ tranh 8g, Cỏ mực 8g, Rau má 8g, Cỏ mần trầu 8g, Cam thảo đất 8g, Ké đầu ngựa 8g, Gừng tươi 4g, Củ sả 4 g, Vỏ quýt 4g. Tác dụng nhuận gan, mát huyết, giải độc, điều hòa cơ thể, kích thích tiêu hóa.

Chữa hắc lào (lác): Lá muồng trâu tươi giã nát, lấy nước bôi thêm ít muối hoặc dịch quả chanh tác dụng càng mạnh hơn.

Xổ giun đũa: Dùng 20g lá muồng trâu sắc lấy uống đồng thời ăn kèm với 10-15 hạt trâm bầu (trẻ em dùng 5-10 hạt) đã nướng qua.

Chữa mày đay, mẩn ngứa: Lá muồng trâu 16g, Bèo cái tía tươi 100g. Sắc uống ngày 2 lần.

Chữa mày đay, mặt nổi mụn hoặc nám da do gan bị nhiễm độc: Lá Muồng trâu 10g, Ké đầu ngựa 12g, Rau má 15g, Cam thảo đất 12g, Rau sam 12g, Bù ngót 10g, Hà thủ ô 15g, Cam thảo dây 12g, Đậu săng 8g, Nhân trần 10g, Khổ sâm 10g, Rau đắng đất 12g, lá Mã đề 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục