Ngập lụt ở Chương Mỹ: Gian nan đường tới trạm xá

Nguyễn Liên, icon
05:20 ngày 02/08/2018

VTV.vn - Lội trên dòng nước ngập tới ngang người dài cả trăm mét, chèo thuyền thúng là cách người dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ tới trạm y tế xã trong những ngày ngập này.

Đến trạm y tế xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội những ngày này, dễ dàng nhận thấy cảnh tượng đông đúc hơn bình thường. Đợt ngập lụt kéo dài hơn 10 ngày nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, người dân địa phương vẫn đang loay hoay chống chọi với những căn bệnh là hệ lụy từ thiên tai khắc nghiệt. Theo một y sĩ của trạm y tế xã, người dân hầu hết bị các bệnh liên quan tới da hay bệnh đau mắt đỏ với số lượng người mắc ngày một tăng cao.

Ngập lụt ở Chương Mỹ: Gian nan đường tới trạm xá - Ảnh 1.

Trạm y tế xã Hoàng Văn Thụ luôn có khá đông bệnh nhân đến khám và xin cấp thuốc.

Bà Lê Thị Điệt, thôn An Tiến cho biết: cả gia đình tôi cùng bị nước ăn chân (bệnh nấm kẽ chân) và đau mắt đỏ: "Nhà tôi có 2 người thì cả hai mẹ con đều bị bệnh giống nhau, tay chân loét hết cả. Nước ngập hết nhà, không ở được nên tôi phải đi ở nhờ nhà khác, nhưng vẫn phải thường xuyên lội về xem tình hình nhà cửa thế nào".

Bà Nguyễn Thị Thịnh, cùng thôn An Tiến thì chia sẻ: bản thân tôi đã quá quen với những căn bệnh này bởi năm nào nhà cũng ngập: "Năm nào cũng bệnh này thành quen. Nhà tôi bây giờ vào tới nơi đã tràn ngập mùi hôi thối, rác rồi xác vịt chết tràn cả vào nhà".

Ngập lụt ở Chương Mỹ: Gian nan đường tới trạm xá - Ảnh 2.

Lịch tiêm phòng vẫn được chấp hành đúng dù quãng đường đi lại khá khó khăn.

Ngày đầu tiên của tháng 8 cũng là lịch tiêm chủng theo lịch định kì cho trẻ em xã Hoàng Văn Thụ. Từ sáng sớm, rất nhiều phụ huynh đã vượt dòng lũ đưa con em tới tiêm phòng đúng hạn. Y sĩ Nguyễn Thị Miền kể, có rất nhiều trường hợp trẻ em được cha mẹ đưa đi tiêm phòng bằng thuyền thúng. "Có một chị bụng mang dạ chửa đưa con qua tiêm phòng, hai mẹ con cũng phải đi bằng thuyền thúng, đúng là vất vả" – chị Miền tâm sự.

Những hộ dân có nhiều lựa chọn hơn về phương tiện di chuyển thì chọn cách đưa con đi đường vòng bằng xe máy cho an toàn thay vì chọn đi thuyền. Anh Nam, xóm Đồng Dâu chia sẻ, bình thường cha con anh chỉ phải vượt quãng đường chưa đến 1 km để tới trạm xá xã, thì nay phải đi đường vòng hết gần 7 km: "Nói chung đi đi lại lại vất vả lắm, đưa con đi khám hay đi học đều phải đi đường vòng, mất rất nhiều thời gian. Nhưng thôi vất vả là một chuyện, lịch tiêm phòng của con thì đâu thể bỏ được. Nhiều nhà người ta phải đi xuồng còn đi được, mình vất vả chút đã là gì."

Ngập lụt ở Chương Mỹ: Gian nan đường tới trạm xá - Ảnh 3.

Ông Cao Văn Hướng đang được y sĩ khám bệnh.

Ủy ban Nhân dân xã Hoàng Văn Thụ cho biết, chính quyền địa phương đã có các biện pháp giúp bà con khắc phục bệnh tật do ngập lụt: "Toàn xã Hoàng Văn Thụ hiện nay có 495 hộ bị ngập, trong đó 172 hộ ngập sâu. Chúng tôi đã cấp 400 suất thuốc gồm nhiều loại tới các hộ trên địa bàn xã để hỗ trợ bà con điều trị các căn bệnh phát sinh do ngập lụt kéo dài." – Ông Lê Trung Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết.

Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, những loại thuốc được phát không thể hỗ trợ, người dân không còn cách nào khác ngoài việc phải vượt lũ đến trạm y tế xã để khám và lấy thêm thuốc. Bà Nguyễn Thị Lành vừa thở hổn hển, vừa kể với tôi về hành trình vượt dòng nước lũ để đi từ thôn Yên Trình – vùng bị cô lập tới trạm xá xã với đôi ủng cao ngang thân người. Bệnh đau mắt đỏ tiến triển thêm, chỉ dùng thuốc tra mắt không hiệu quả, bà phải qua trạm y tế xã khám và xin thuốc kháng sinh. "Mang thêm đôi ủng, vất vả chút nhưng tiết kiệm cháu ạ, một lượt xe kéo qua chỗ lụt đã là hai mươi nghìn rồi" – bà tâm sự.

Ông Cao Văn Hướng, cũng thôn Yên Trình thì cho biết, ông bị hạ đường huyết do bệnh tiểu đường nên chặng đường lội nước tới trạm xá lại càng thêm vất vả: " Từ nhà tôi qua đây là khoảng gần 2 km, trong đó phải đi qua đoạn nước ngập đến ngang ngực. Lội nước vất vả lắm, thường tôi đi bộ một đoạn đã thấy mỏi chân rồi, bây giờ đi thế này sức nước cản lại càng vất vả hơn, tới trạm xá là cảm thấy hoa hết mắt, mặt mũi thì tái nhợt. Nhưng đoạn nước ngập cũng không quá dài, nên thôi cố gắng".

Bên cạnh việc đối phó với các căn bệnh ở thời điểm hiện tại, làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh do ô nhiễm mội trường sau khi lũ rút cũng là điều mà chính quyền và nhân dân địa phương đặc biệt lưu tâm. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trung Hà cho biết thêm, UBND xã Hoàng Văn Thụ đang chuẩn bị các biện pháp như rắc vôi bột tại các vùng ngập lụt; phối hợp với công ty môi trường đô thị dọn dẹp, thu gom và xử lí rác thải cũng như chuẩn bị các loại thuốc để sẵn sàng phát cho người dân sau ngập.

Xã Hoàng Văn Thụ là một trong những đơn vị của huyện Chương Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt ngập lụt lần bên cạnh Nam Phương Tiến hay Tân Tiến. Hiện nay, trên địa bàn xã có hai thôn bị cô lập hoàn toàn là Yên Trình và Thuần Lương, một số thôn khác như Văn Sơn, Văn Phú, An Tiến… bị ngập ở nhiều khu vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục