Người phụ nữ bị cướp vào nhà đâm thủng tim nguy kịch

Tuấn Bảo, icon
10:05 ngày 14/12/2018

VTV.vn - Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) với 1 vết thương ở ngay giữa mũi ức và 1 vết thương dài ở ngực trái.

Tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân N.T.A. (35 tuổi, Huyện Đức Hòa, Tỉnh Long An) bị cướp tấn công tại nhà trong đêm, đâm thấu ngực gây thủng tim, thủng cơ hoành, thủng gan và mạch máu trên gan.

Tại bệnh viện, trên lâm sàng, các bác sĩ xác định ngay đây là vết thương thấu ngực sốc mất máu nặng, khả năng thủng tim rất cao, có thể kèm tổn thương ở ổ bụng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân được đưa ngay vào phòng mổ với ê kíp phẫu thuật viên tim mạch - lồng ngực và phẫu thuật viên ngoại tổng quát.

Bệnh nhân vừa được hồi sức tích cực: bù máu, dịch, thuốc vận mạch, vừa mở ngực dọc giữa xương ức cấp cứu.

Người phụ nữ bị cướp vào nhà đâm thủng tim nguy kịch - Ảnh 1.

Hình chụp X-quang lồng ngực bệnh nhân.

Ngay khi mở ngực, các phẫu thuật viên phát hiện tim bệnh nhân bị chèn ép cấp do tràn máu màng tim lượng nhiều, khi mở màng ngoài tim, phát hiện vết thương tim thủng thất phải dài 2,5cm đang phun máu ồ ạt gây ngập máu phẫu trường. Các phẫu thuật viên vừa dùng tay bịt vết thương cầm máu tạm thời, vừa khâu lại vết thương tim.

Tiếp tục kiểm tra nhanh các tổn thương, phát hiện cơ hoành thủng dài 3cm, chỉ cách tĩnh mạch chủ dưới khoảng 1.5cm, qua đó có máu từ ổ bụng tràn lên. Phẫu thuật viên quyết định mở vết mổ kéo dài xuống bụng, kiểm tra thấy vết đâm thủng cơ hoành gây đứt 1 tĩnh mạch trên gan đang chảy máu, đâm xuyên ra sau làm thủng thùy I của gan. Các tổn thương tĩnh mạch trên gan, vết thương nhu mô gan và chỗ rách cơ hoành được khâu cầm máu.

Trong quá trình mổ cấp cứu, lượng máu mất ở trong ngực, bụng đến 3.400ml.

Người phụ nữ bị cướp vào nhà đâm thủng tim nguy kịch - Ảnh 2.

Các chỉ số của bệnh nhân đã dần ổn định.

Ngay sau khi cầm máu, tim co bóp chấp nhận được, không có vùng nhồi máu rõ, huyết động tạm ổn với hỗ trợ thuốc vận mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện rối loạn đông máu nặng và suy chức năng gan ngay sau mổ. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát và điều trị tích cực tại Hồi sức Tim mạch.

Hiện, các thông số huyết động cũng như xét nghiệm cận lâm sàng đã dần ổn định, tình trạng rối loạn đông máu đã được điều chỉnh tốt.

Theo các bác sĩ, vết thương tim là một thách thức lớn trong cấp cứu ngoại khoa tim mạch - lồng ngực, gây tử vong rất cao, ước tính có khoảng 80 - 90% các trường hợp vết thương tim không đến kịp bệnh viện. Khả năng cứu sống bệnh nhân còn phụ thuộc vào loại tổn thương, thời gian cấp cứu...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục