Nguy cơ virus Zika lây từ mẹ sang thai nhi cao nhất trong ba tháng đầu thai kỳ

Lê Thạch, icon
08:04 ngày 01/06/2020

VTV.vn - Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người mẹ, nhưng virus Zika có thể gây các dị tật ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai nhi.

Hình minh họa.

ThS.BS Nguyễn Hương Trà, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết: Bệnh do virus Zika là bệnh lây truyền qua muỗi lần đầu được phát hiện tại Uganda năm 1947 ở Khỉ Rhesus thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Sau đó, bệnh được xác định trên người năm 1952 tại Uganda và nước Cộng Hòa Tanzania. Ổ dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương.

Thời gian ủ bệnh của bệnh do virus Zika không rõ ràng, nhưng có thể là một vài ngày. Triệu chứng tương tự như nhiễm trùng do các virus arbo khác như sốt xuất huyết dengue, bao gồm sốt, nổi ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp và đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Các triệu chứng này thường nhẹ và kéo dài từ 2 - 7 ngày.

Theo ThS.BS Nguyễn Hương Trà, phụ nữ có thai có thể mắc bệnh Zika khi bị đốt bởi muỗi Aedes mang mầm bệnh. Có 2 loại muỗi Aedes có khả năng gây lây truyền virus Zika đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó, muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn là tác nhân gây bệnh chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi Aedes thường đốt người vào ban ngày, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc khi trời gần tối, muỗi thường đậu ở rèm cửa, nơi treo quần áo. Ngoài lây truyền bệnh Zika, muỗi Aedes cũng là tác nhân gây các bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng và bệnh chikungunya.

Virus Zika có thể lây từ mẹ sang thai nhi, khả năng lây cao nhất là trong ba tháng đầu thai kỳ. Trong đó, tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là dị tật đáng lo ngại nhất. Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh xuất hiện 1 - 10% số trẻ được sinh ra bởi bà mẹ nhiễm virus Zika ba tháng đầu thai kỳ. Đặc điểm của những trẻ này khi sinh ra là:

- Một phần hộp sọ trẻ bị sụp, các đường khớp sọ chồng lên nhau, da đầu dư thừa, xương chẩm trẻ nhô cao.

- Não bộ trẻ biến đổi bất thường: vôi hóa dưới vỏ não, lượng chất trắng giảm, giảm sản thùy nhộng tiểu não, những khoảng chứa dịch tăng, thể chai bất thường, vỏ não mỏng với những nếp nhăn bất thường.

- Một hoặc cả hai chân trẻ bị vẹo, một hoặc nhiều khớp bị co cứng bẩm sinh.

- Mắt trẻ có những bất thường như sẹo hoàng điểm, teo đám rối mạch mạc vòng mạc, thiểu hoặc bất sản thần kinh thị giác, có các đốm sắc tố võng mạc trung tâm, đục thủy tinh thể, khuyết mống mắt...

- Trẻ có các khiếm khuyết về chức năng thần kinh như mất khả năng vận động, giảm trương lực cơ, mất khả năng nhận thức, khóc quá nhiều, dễ kích thích, động kinh, giảm hoặc mất thị lực, thính lực.

Cũng theo ThS.BS Nguyễn Hương Trà, tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Trẻ mắc bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong những năm đầu đời. Chụp ảnh sọ não sẽ được thực hiện thường xuyên để đánh giá sự phát triển của não bộ. Các phương pháp phẫu thuật có thể được thực hiện nếu não còn phát triển, ngoài ra trẻ cần được tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, siêu âm trước sinh để đánh giá những bất thường của thai nhi phù hợp với hội chứng virus Zika bẩm sinh được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ mang thai với bằng chứng phòng thí nghiệm về nhiễm virus Zika.

Hiện tại, không có phương pháp điều trị cụ thể với nhiễm virus Zika và không có vaccine để phòng ngừa. Do đó, để bảo vệ chống nhiễm virus Zika, ThS.BS Nguyễn Hương Trà khuyến cáo phụ nữ mang thai nên:

-Tránh đi đến các khu vực có truyền virus Zika đã biết.

-Tuân thủ các biện pháp chống muỗi.

-Tuân thủ các biện pháp bảo vệ chống lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

-Tuân thủ các khuyến nghị liên quan đến hiến máu.

-Tuân thủ các khuyến nghị để phòng ngừa nhiễm trùng tiêu chuẩn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục