Nguy hiểm khôn lường khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc điều trị bỏng tại nhà

Quốc Chiểu, Quang Hiển, icon
04:04 ngày 09/02/2023

VTV.vn - Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác vừa có cảnh báo về tình trạng bệnh nhân gặp biến chứng nặng nề do tự điều trị bỏng tại nhà bằng thuốc không rõ nguồn gốc.

Chăm sóc vết thương cho những bệnh nhân tiểu đường bị bỏng thường khó khăn hơn nhiều so với các vết bỏng thông thường. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân L.M.Q. (nam, 53 tuổi, trú tại tỉnh Hà Nam) đến khám tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác do bị bỏng lửa than 6% độ IV, V tay phải ngày thứ 4, sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân có bệnh lý nền đái tháo đường type 2 (dùng thuốc điều trị đái tháo đường không thường xuyên), thể trạng suy kiệt, da niêm mạc nhợt... Tại các vị trí tổn thương bỏng có hoại tử, nhiều dịch mủ.

Bệnh nhân bị bỏng nhưng không được sơ cứu tại chỗ, không đến cơ sở y tế khám và điều trị ban đầu, tự điều trị tại nhà (gia đình dùng thuốc điều trị không rõ nguồn gốc). Khi tình trạng bệnh rất nặng, gia đình mới đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu.

Nhận thấy tình trạng bệnh rất nặng nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã chuyển ngay bệnh nhân lên Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.

Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, chống sốc, thở oxy, kháng sinh, truyền dịch, truyền albumin, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh cân bằng kiềm toan, chăm sóc toàn diện.

Sau đó, tình trạng bệnh nhân diễn biến chuyển hướng xấu đi, tiên lượng tử vong rất cao nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân có diện tích bỏng không quá rộng, tuy nhiên do không được sơ cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ bệnh lý bỏng trên nền bệnh đái tháo đường type 2 nên đã xảy ra nhiễm khuẩn huyết dẫn đến biến chứng sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng.

Qua trường hợp bệnh nhân này, bệnh viện khuyến cáo tới người dân một số lưu ý sau:

Mọi người cần phòng tránh các tác nhân, yếu tố tiếp xúc (nước sôi, thức ăn nóng, kim loại nóng, dòng điện, hóa chất…), hoàn cảnh xảy ra hoặc môi trường làm việc có nguy cơ bị bỏng cao.

Ngay sau khi bị bỏng, người bị nạn cần được sơ cứu vết bỏng đúng cách để làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, tránh bị bội nhiễm vết thương và biến chứng nguy hiểm. Khẩn trương chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, chăm sóc kịp thời.

Đối với bệnh nhân bị bỏng có bệnh lý nền, đặc biệt là đái tháo đường, nhiễm trùng là biến chứng rất thường gặp, xảy ra phức tạp và nặng hơn so với bệnh nhân không bị đái tháo đường. Vì vậy, đối tượng bệnh nhân này cần được chăm sóc và điều trị chuyên khoa bỏng và điều trị kết hợp các bệnh lý nền theo phác đồ của Bộ Y tế, không được tự ý điều trị tại nhà để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục