Nguy hiểm khôn lường khi tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt

Mai Lê, icon
10:32 ngày 17/12/2019

VTV.vn - Khi trẻ có biểu hiện sốt, hầu hết các phụ huynh đều nghĩ ngay đến việc hạ sốt cho con bằng việc sử dụng các loại thuốc hạ sốt có chứa paracetamol.

Hình minh họa.

Chị N.T.N. (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Nhà có con nhỏ, lại đang vào mùa lạnh, bé hay bị sốt cao do viêm họng nên trong nhà chị lúc nào cũng dự trữ sẵn thuốc hạ sốt cho bé. Mỗi lần bé sốt, chị lại lấy thuốc pha cho bé uống.

"Có lần, bé chị sốt cao liên tục mấy ngày, gia đình cho uống thuốc và dùng mọi cách để hạ sốt nhưng bé vẫn không đỡ. Nghĩ bé chỉ sốt như những lần đầu, tôi chủ quan không đưa con đi khám ở bệnh viện sớm mà chỉ cho ở nhà uống thuốc hạ sốt. Tới khi vào viện, bác sĩ cho biết bé có dấu hiệu tổn thương thận, có thể dẫn tới suy thận do gia đình quá lạm dụng thuốc hạ sốt, cho bé uống thuốc hạ sốt quá nhiều và quá liều" - chị N. cho hay.

Còn anh T.Q.H. (trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Tôi có người bạn có con 3 tuổi bị suy thận vì lạm dụng thuốc hạ sốt. Do đó, mỗi lần con bị bệnh, sốt cao, tôi rất thận trọng trong việc sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu bé sốt chưa tới mức phải dùng tới thuốc, tôi thường cho con uống thật nhiều nước, kết hợp chườm khăn ấm, mặc đồ thoáng mát".

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, có nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ, khi trẻ sốt cao, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời và có phác đồ điều trị phù hợp, vì sử dụng thuốc hạ sốt chỉ là biện pháp điều trị triệu chứng chứ không khỏi được bệnh. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ tại nhà, cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Các loại thuốc hạ sốt đều có tác dụng phụ, vì vậy, nếu không sử dụng đúng sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm, đặc biệt là ảnh hưởng đến gan và thận. Trước khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, các bậc phụ huynh phải đo thân nhiệt của trẻ. Nếu trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C thì mới dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và cách dùng, đối với những trẻ có tiền sử co giật thì nên sử dụng sớm hơn.

Thông thường, khi trẻ sốt cao, nếu không sử dụng thuốc hạ sốt kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng co giật, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ về sau. Do đó, khi trẻ sốt, các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán nguyên nhân gây sốt, điều trị đúng phác đồ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng và đúng thời điểm...

"Khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian và liều lượng được chỉ định theo nhãn thuốc. Thuốc hạ sốt phải được dùng đúng số tuổi và số cân nặng của trẻ. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc hạ sốt, các mẹ nên áp dụng một số biện pháp hạ sốt đơn giản tại nhà như sử dụng khăn ấm đắp lên vùng trán, nách của trẻ; cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và uống nhiều nước..." - TS.BS Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục