Nhập viện cầu cứu bác sĩ vì tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo dưới da

Linh Chi, icon
11:53 ngày 03/07/2022

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa phẫu thuật cho bệnh nhân nữ 57 tuổi, bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới khỏi tình trạng đau tức dai dẳng và những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.T.M., (ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh), bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới đã lâu, có uống thuốc điều trị nhưng không giảm. Mấy hôm nay, tình trạng đau tức chân tăng lên nên đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ đã thăm khám kỹ lưỡng, kết hợp cùng kết quả cận lâm sàng, xác định bệnh nhân bị suy van tĩnh mạch sâu chi dưới, suy giãn tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé hai bên và giãn ngoằn ngoèo tĩnh mạch dưới da vùng cẳng chân hai bên trên nền bệnh tăng huyết áp.

Nhận được sự tư vấn cũng như hướng điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân đã nắm rõ về tình trạng bệnh, đồng ý nhập viện để phẫu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch giãn và huyết khối, ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện triệu chứng hiện tại.

Nhập viện cầu cứu bác sĩ vì tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo dưới da - Ảnh 1.

Lột bỏ tĩnh mạch giãn và lấy sạch huyết khối. Ảnh: BVCC

Ê-kíp phẫu thuật đã rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn và rạch thêm một đường khác ở bờ ngoài mắt cá chân. Sau đó, tiến hành tách và cột tất cả nhánh tĩnh mạch suy giãn với tĩnh mạch hiển lớn. Tiếp đến, tiến hành lột bỏ tĩnh mạch hiển và tĩnh mạch nông để lấy sạch huyết khối và lột bỏ tĩnh mạch nông giãn.

Kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về khoa để tiếp tục theo dõi và chăm sóc. Sau 6 ngày theo dõi và điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và đã được xuất viện.

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực cho biết: Khoa đã tiếp nhận phẫu thuật cho nhiều trường hợp suy giãn tĩnh mạch nặng, giãn phồng ngoằn ngoèo như rễ cây và cũng có những trường hợp nhẹ hơn mà không cần phẫu thuật.

Suy giãn tĩnh mạch nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây hại cho sức khỏe, có thể dẫn đến tình trạng như: chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu... Vì vậy, nếu suy giãn tĩnh mạch gây đau khi đi đứng thì quý bà con nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục