Những lưu ý khi chăm sóc da cho trẻ

SK, icon
07:22 ngày 09/09/2013

 Bệnh ngoài da là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ, do da trẻ còn rất nhạy cảm và dễ bị thương tổn. Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ những biểu hiện của một số bệnh ngoài da để chăm sóc trẻ tốt hơn.

Chương trình Sống khỏe đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viên Nhi Trung ương về việc bảo vệ và chăm sóc da cho trẻ nhỏ.

Phụ huynh: Nuôi con nhỏ, tôi thấy bé hay bị viêm da và rôm sẩy, tôi muốn hỏi bác sĩ xem làm thế nào để phòng ngừa những bệnh này cho bé?

Tiến sĩ Trần Minh Điển: Khi trẻ bị rôm sẩy hay mụn nhọt ngoài da, trước hết cha mẹ cần hiểu được bản chất da của trẻ. Da của trẻ rất xốp và nhiều nước, hệ thông tiết mồ hôi của trẻ chưa được tốt, do vậy các cháu dễ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề liên quan đến thời tiết, kèm theo nổi mụn nước toàn thân ở trẻ.

Trước những trường hợp đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là vấn đề vệ sinh thân thể cho trẻ, hàng ngày có thể tắm cho trẻ bằng những nước lá như kinh giới hay sài đất, để da của trẻ lành hơn. Bên cạnh đó, còn có thể cho trẻ uống nước nhiều hơn, khi trẻ ngứa nhiều cần làm sao để hạn chế gãi ngứa, do dễ gây bội nhiễm và nhiễm trùng. Nếu xảy ra trường hợp bội nhiễm và nhiễm trùng, vùng da bị mụn mủ, cần đưa trẻ tới các bác sĩ da liễu để lấy đơn thuốc và xử lý bệnh cho trẻ.

Khi trẻ ngứa nhiều về đêm, cần đảm bảo môi trường thoáng và sạch. Đôi khi, có thể không cần điều hòa nhiệt độ, chỉ cần đảm bảo không khí môi trường tốt và sạch sẽ, để trẻ không bị ngứa hay khó chịu, chảy mồ hôi trên da nhiều.

Phụ huynh: Tôi thường sử dụng phấn rôm cho con, nhưng cũng chưa hiểu rõ cách sử dụng phấn rôm như thế nào. Tôi xin được hỏi khi cháu đã bị rôm rồi, ta có nên sử dụng phấn rôm hay không?

Tiến sĩ Trần Minh Điển: Các bậc cha mẹ không nên lạm dụng phấn rôm để chăm sóc da cho trẻ. Khi tắm sạch sẽ cho trẻ và khi da trẻ đã bắt đầu khô se, có thể sử dụng một ít phấn rôm ra lòng bàn tay và xoa nhẹ lên khu vực có nguy cơ bị hăm, loét nhiều như ở bẹn, mông, nách hay dưới cổ của cháu.

Khi da trẻ đã bị hăm loét nhiều, cần sử dụng các loại thuốc bôi khác, không nên sử dụng phấn rôm. Trường hợp nặng, cần đưa trẻ tới bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân hăm loét nhiều và sử dụng thuốc bôi như thế nào cho hợp lý hơn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video tư vấn của Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viên Nhi Trung ương về việc bảo vệ và chăm sóc da cho trẻ nhỏ.

Cùng chuyên mục