Phẫu thuật nội soi hoàn toàn - giải pháp mới cho bệnh nhân ung thư thực quản

P.V, icon
09:27 ngày 18/10/2019

VTV.vn - Phương pháp mới với nhiều ưu điểm vượt trội vừa được các chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thực hiện.

Thực quản là đoạn ống tiêu hóa nối giữa cổ họng và dạ dày. Ung thư thực quản đứng thứ 8 trên toàn cầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Điều trị đa mô thức đang là giải pháp toàn diện mang lại niềm hy vọng lớn cho người bệnh, trong đó phẫu thuật cắt thực quản triệt căn vẫn là phương pháp chủ yếu, hóa xạ trị trước mổ có vai trò quan trọng làm giảm giai đoạn bệnh, tăng khả năng cắt bỏ triệt căn.

Được sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản, gần đây, Khoa Phẫu thuật ống tiêu hoá, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai thành công một phương pháp mới: Phẫu thuật nội soi hoàn toàn 2 đường bụng ngực, thay thực quản bằng dạ dày đặt sau xương ức. Phương pháp mới sẽ khắc phục được những hạn chế của các phương pháp đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Bệnh nhân không còn đường mở bụng nên chỉ còn một đường mở duy nhất tại cổ.

Bệnh nhân N.V.M, 70 tuổi, quê ở Bắc Giang được chẩn đoán ung thư thực quản 1/3 giữa giai đoạn II. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân theo phương pháp: phẫu thuật nội soi hoàn toàn 2 đường bụng ngực, thay thực quản bằng dạ dày đặt sau xương ức.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân có biểu hiện đau trước ngực, phía sau xương ức khoảng 1 tháng nay. Gia đình đưa bệnh nhân đi khám phát hiện có khối u bất thường. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Giáo sư Yamada - chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thực quản đến từ Nhật Bản đã tiến hành phẫu thuật theo phương pháp mới.

Phẫu thuật nội soi hoàn toàn - giải pháp mới cho bệnh nhân ung thư thực quản - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa cho biết: Phương pháp đang được sử dụng phổ biến hiện nay là cắt toàn bộ thực quản bằng nội soi đường ngực, sử dụng dạ dày để tạo một ống cuốn đưa qua trung thất lên cổ bằng phẫu thuật mở bụng hoặc nội soi hỗ trợ, nối ống cuốn dạ dày với thực quản cổ để phục hồi lưu thông tiêu hóa. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là phải mở bụng, ống cuốn dạ dày đặt vào vị trí của thực quản dễ bị tổn thương khi ung thư thực quản tái phát tại chỗ hoặc khi phải xạ trị bổ sung. Ống cuốn dạ dày thường có tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng tại miệng nối nên dễ gây hẹp miệng nối với thực quản cổ, khiến cho bệnh nhân ăn uống khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ "Với việc triển khai phương pháp mới, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại cho người bệnh ung thư thực quản một kết quả khả quan hơn".

Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân M ổn định, phục hồi tốt. Bệnh nhân đã được ra viện. Bệnh nhân cần đi khám định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi sức khỏe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục