Phẫu thuật tạo hình cho nam bệnh nhân u ổ cối xương chậu hiếm gặp

icon
08:21 ngày 22/06/2018

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện K đã phối hợp với chuyên gia Đại Học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn vừa phẫu thuật tạo hình thành công cho nam bệnh nhân u ổ cối xương chậu hiếm gặp.

Phim chụp Khối u vùng ổ cối xương chậu.

Người nhà bệnh nhân Hoàng Đình H. quê ở Bắc Giang cho biết 1 năm qua anh H. thường xuyên bị đau khớp háng trái gây trở ngại lớn trong sinh hoạt hàng ngày, anh H. đã đi khám nhưng không phát hiện được tổn thương, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.

Đến khi không chủ động đi lại được, phải di chuyển phụ thuộc vào nạng thì gia đình mới đưa anh lên bệnh viện tuyến tỉnh kiểm tra lại. Các bác sĩ nghi ngờ anh có khối u ở vùng ổ cối xương chậu nên yêu cầu chuyển anh xuống Bệnh viện K.

Sau khi thăm khám và làm các chỉ định cần thiết, các bác sĩ Bệnh viện K nhận định: có một khối u ở vùng ổ cối xương chậu phá huỷ gần hoàn toàn ổ cối và phát triển vào ổ bụng bệnh nhân tạo thành một khối đường kính khoảng 10cm. Kết quả sinh thiết chẩn đoán xác định u tế bào khổng lồ. Chỉ định phẫu thuật được đặt ra với mong muốn lấy bỏ khối u triệt để và tạo hình lại khớp háng để giúp cho bệnh nhân sinh hoạt vận động trở lại.

Bệnh nhân được hội chẩn toàn bệnh viện cùng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn đưa ra phương án để lấy bỏ khối u. Tuy nhiên vị trí phát triển của khối u từ phía ổ cối tương ứng với khu vực khuyết mẻ hông lớn và bé, nơi có dây thần kinh ngồi cùng với các bó mạch thần kinh mông trên và mông dưới đi qua, đây là khu vực hiểm yếu, có nguy cơ tai biến trong phẫu thuật rất cao. Sự phá huỷ hoàn toàn vùng đáy ổ cối làm cho khớp háng mất chức năng gần hoàn toàn, bệnh nhân không có khả năng tỳ đè chịu lực trên chân tổn thương, còn các động tác vận động không chịu lực của khớp háng.

Trước nhiều khó khăn và thách thức, nhưng nếu không phẫu thuật bệnh nhân có thể đứng trước nguy cơ mất khớp háng, mất chức năng hoàn toàn dẫn đến liệt do đó các bác sĩ vẫn quyết định sẽ phẫu thuật "cứu đôi chân" của bệnh nhân H.

PSG.TS. Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết: "Đây là ca bệnh khó đòi hỏi sự phối hợp đồng thời giữa các thầy thuốc chuyên khoa với hơn 10 bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức, ung thư và chấn thương chỉnh hình".

Các bác sĩ chia sẻ có 2 hướng tiếp cận: một là qua đường mở vào khớp háng và tiếp cận khối u qua ổ cối; hai là tiếp cận qua đường ổ bụng, vào khối u trực tiếp và mặt trong cánh chậu và đáy ổ cối. Do vị trí khối u gần các cấu trúc mạch và thần kinh, hơn nữa khả năng chảy máu rất cao đồng thời lối tiếp cận từ phía ổ cối qua đường vào khớp háng chật hẹp (đường kính ổ cối khoảng 5-6cm trong khi đường kính khối u trong bụng khoảng 10cm) nên khi can thiệp kíp phẫu thuật quyết định sử dụng 2 đường mổ phối hợp.

Sau khi gây mê, anh H. phải phẫu thuật với 2 tư thế: nằm ngửa cho đường mổ bụng và nằm nghiêng cho đường mổ khớp háng. Đường mổ khớp háng phía ngoài rộng rãi để thăm dò ổ cối cánh chậu để cân nhắc phương án tạo hình lại khớp sau khi lấy bỏ khối u. Đường mở vào ổ bụng qua đường trắng giữa dưới rốn, kiểm soát bó mạch chậu trong, loại bỏ trọn vẹn khối u, làm sinh thiết tức thì đánh giá đảm bảo triệt để, cầm máu kỹ và sử dụng xi măng sinh học để phục hồi một phần khuyết xương cánh chậu và ổ cối.

Phẫu thuật tạo hình cho nam bệnh nhân u ổ cối xương chậu hiếm gặp - Ảnh 1.

Phim chụp sau phẫu thuật.

Cùng với đó, các bác sĩ lựa chọn phương án tạo hình lại khớp háng với khớp háng nhân tạo có sử dụng rọ ổ cối để cố định ổ cối nhân tạo lên cả phần cánh chậu lành. Kíp phẫu thuật kiểm tra kỹ, đặt dẫn lưu và phục hồi giải phẫu của bao khớp và phần mềm. Sau 6 giờ đấu trí cam go, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, khối u được lấy bỏ triệt để, không có tai biến tổn thương thần kinh, khớp háng được phục hồi bằng khớp háng nhân tạo giúp cho bệnh nhân có thể tập luyện dần trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục