Phối hợp liên viện lấy cuống quả xoài trong phổi bé trai 8 tháng tuổi

P.V, icon
09:00 ngày 29/04/2024

VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh) lấy thành công dị vật đường thở ở bé trai 8 tháng tuổi bằng hệ thống ống soi mềm.

Dị vật là cuống quả xoài được gắp ra ngoài. Ảnh: BVCC

Theo đó, bé trai 8 tháng tuổi nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị dị vật đường thở. Bé trai được nội soi phế quản lấy dị vật 2 lần nhưng do dị vật nằm sâu trong phế quản thùy dưới bên phải nên việc tiếp cận và lấy dị vật gặp nhiều khó khăn.

Sau khi hội chẩn, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cử ekip nội soi gồm bác sĩ hô hấp, tai mũi họng cùng hệ thống nội soi phế quản bằng ống soi mềm và các thiết bị cần thiết để đến hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. 

Với sự phối hợp giữa 2 bệnh viện, các y bác sĩ đã lấy thành công dị vật là phần cuống của quả xoài. Hiện tại, tình trạng của bé tạm ổn, vẫn đang được điều trị và theo dõi thêm.

Khai thác bệnh sử, trước ngày nhập viện, bé trai đang ăn cơm tại nhà và được mẹ cho quả xoài cầm chơi. Bé đưa lên miệng ngậm rồi đột ngột ho sặc sụa liên tục, quấy khóc. Mẹ bé ẵm vác lên vai, vỗ lưng dỗ bé nín dần. Sau khi thấy con hết ho và quấy khóc, mẹ cho bé theo dõi bé tại nhà. Đến sáng hôm sau, bé khó thở, có cơn tím tái và được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến dưới. Tại đây, bé được đặt nội khí quản và chuyển đến bệnh viện tuyến trên điều trị.

Theo BSCKII. Võ Thành Nhân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé trai may mắn vì đến khám và chuyển tuyến sớm, phối hợp liên viện, liên chuyên khoa kịp thời và dị vật chưa hoại tử nhiễm trùng, chưa tạo ổ mủ áp xe, hay rơi vào bít tắc đường thở kéo dài, nếu không có thể gây ngưng thở, thậm chí tử vong, hoại tử thùy phổi nếu cấp cứu không kịp.

BSCKII. Lê Thị Thanh Thảo, Phó Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, thành viên ekip hỗ trợ cho biết: Dị vật đường thở là một tại nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, bởi đây là lứa tuổi thích khám phá và thường đưa các đồ vật vào miệng, hoặc có thể gặp ở trẻ lớn do bất cẩn trong quá trình sinh hoạt.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Đối với trẻ nhỏ hạn chế cho các bé sử dụng các vật thể kích thước nhỏ. Với trẻ lớn, gia đình và nhà trường thường xuyên giáo dục và nhắc nhở các em hạn chế chơi đùa với những dụng cụ học tập và đồ vật nhỏ, không nên cho vào miệng nhằm tránh nguy cơ hít sặc.

Khi trẻ có biểu hiện hóc dị vật, sau khi thực hiện các bước sơ cứu tại nhà, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục