Phụ nữ chiếm 50% trong tất cả các nguyên nhân vô sinh

Lê Thạch, icon
08:29 ngày 06/04/2018

VTV.vn - Vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không có thai sau một năm chung sống, giao hợp bình thường, không sử dụng các biện pháp tránh thai nào.

Kiểm tra trứng được lấy từ bệnh nhân

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Nhã, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện, vô sinh nữ có hai loại:

- Vô sinh nguyên phát còn gọi là vô sinh I: là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng mà người vợ chưa có thai lần nào.

- Vô sinh thứ phát hay còn gọi là vô sinh II: là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng mà người vợ đã từng có thai trước đó.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ vô sinh trung bình của các cặp vợ chồng từ 6 đến 12%. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ vô sinh cao nhất. Nghiên cứu mới nhất tại Việt Nam do Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành năm 2015 trên 14.300 các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở 8 tỉnh thành đại diện ở nước ta, cho thấy tỷ lệ vô sinh trung bình của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7.7%. Ước tính có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát là 3.9%, vô sinh thứ phát là 3.8 %.

Nguyên nhân và hướng điều trị

Nguyên nhân vô sinh nữ chiếm khoảng 50% trong tổng số các nguyên nhân vô sinh. Trong đó gồm rất nhiều các nguyên nhân khác nhau như tuổi, rối loạn phóng noãn, bệnh lý vòi trứng, bệnh lý tử cung v..v...

Tuổi của người phụ nữ là yếu tố quan trọng dự đoán khả năng có thai tự nhiên do liên quan đến số lượng và chất lượng trứng. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ trên 35 tuổi tỷ lệ có thai giảm hẳn do giảm dự trữ buồng trứng, trên 40 tuổi rất ít có khả năng có thai, trong khi đó tỷ lệ mắc dị tật và nguy cơ sảy thai, lưu thai tăng cao.

- Nhóm I: Những rối loạn phóng noãn gây ra bởi sự suy giảm hạ đồi tuyến yên, bao gồm triệu chứng mất kinh (nguyên phát hoặc thứ phát), giảm các chỉ số hormone (FSH, LH, Estradiol). Khoảng 10% các phụ nữ rối loạn phóng noãn thuộc nhóm I.

- Nhóm II: Rối loạn phóng noãn do giảm khả năng phóng noãn từ trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng. Bệnh cảnh này gồm hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng tăng prolactin máu . Khoảng 85% số phụ nữ rối loạn phóng noãn thuộc nhóm II.

Hội chứng buồng trứng đa nang đặc trưng bởi

- Rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa trên 35 ngày hoặc vô kinh)

- Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm (Ít nhất 12 nang trên ít nhất 1 buồng trứng)

- Các triệu chứng cường Androgens.

Đối với hội chứng buồng trứng đa nang hướng điều trị còn gây nhiều tranh cãi. Các cơ chế phát triển nang noãn trong buồng trứng đa nang bị rối loạn, tình trạng kháng Insuine kéo dài dẫn đến các bệnh chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp…làm cho điều trị gặp nhiều khó khăn. Điều chỉnh chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng đóng vai trò quan trọng trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, bên cạnh đó các thuốc kích thích buồng trứng được sử dụng rộng rãi như clomiphene citrate, FSH tái tổ hợp…giúp tăng cơ hội có thai cho các bệnh nhân. Một số ý kiến can thiệp phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng hoặc cắt góc buồng trứng trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, tuy nhiên các nghiên cứu sau đó ghi nhận sự sụt giảm dự trữ buồng trứng hậu phẫu thuật, ví thế với các bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang liên quan đến vô sinh cần được hội chẩn chặt chẽ và có thể áp dụng các phương pháp điều trị vô sinh như bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc hỗ trợ sinh sản.

Tăng Prolactin máu cũng là một nguyên nhân gây rối loạn phóng noãn với đặc điểm rối loạn kinh nguyệt, ức chế phóng noãn, chảy sữa. Prolactin là hormone do thùy trước tuyến yên chế tiết, khi Prolactin tăng cao bệnh nhân cần kiểm tra Tuyến yên để phát hiện sớm các bất thường trên tuyến yên để kết hợp điều trị có hiệu quả.

- Nhóm III: Suy buồng trứng. Chỉ có khoảng 5% bệnh nhân thuộc nhóm này. Trong nhóm bệnh nhân suy buồng trứng sớm có khoảng 5 đến 15 % có khả năng hồi phục buồng trứng, tuy nhiên mức độ hồi phục tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân và nguyên nhân mắc phải. Các bệnh nhân thuộc nhóm này muốn có con thường chỉ định xin noãn để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Một nguyên nhân phổ biến khác trong vô sinh nữ là các vấn đề liên quan đến vòi trứng. Viêm nhiễm sinh dục mạn tính, tái diễn nhiều đợt, không điều trị triệt để như nhiễm Chlamydia, Lao sinh dục, lậu…dẫn đến viêm tắc vòi trứng, ứ mủ vòi trứng làm vòi trứng mất chức năng bắt noãn, tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung. Bệnh cảnh này được chẩn đoán dựa trên siêu âm đầu dò âm đạo, chụp tử cung vòi trứng và tiêu chuẩn vàng là phẫu thuật nội soi thăm dò chức năng vòi trứng. Tùy thuộc mức độ tổn thương để quyết định can thiệp phẫu thuật trước hay tiến hành hỗ trợ sinh sản trước.

Ngoài yếu tố vòi trứng thì tử cung là cơ quan quan trọng quyết định quá trình làm tổ và phát triển của thai. Các nguyên nhân mắc phải như viêm niêm mạc tử cung, dính buồng tử cung (Hội chứng Asherman), nguyên nhân bẩm sinh: tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn hoàn toàn hay không hoàn toàn…Các bất thường này làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng có thai và giữ thai.

Với sự phát triển của phẫu thuật nội soi tạo hình và công nghệ tế bào gốc thì những trường hợp khó như Tử cung nhi tính, dính buồng tử cung hoàn toàn sẽ có cơ hội làm mẹ thay vì mang thai hộ. Công nghệ cấy ghép mô, cơ quan được ghi nhận có những bước tiến vượt bậc. Ca cấy ghép tử cung thành công đầu tiên tại Trung tâm y tế Đại học Baylor ở Dallas, bang Texas Mỹ mở ra hi vọng mới cho các phụ nữ không tử cung, cắt tử cung bán phần hoặc người đồng giới.

Chiếm tỷ lệ rất nhỏ là các bất thường liên quan đến đột biến gene, nhiễm sắc thể dẫn đến bất thường phát triển cơ quan sinh dục và sinh sản như Hội chứng Turner, Hội chứng siêu nữ XXX…Các bất thường cấp độ nhiễm sắc thể (đứt đoạn, chuyển đoạn, lặp đoạn..) là nguyên nhân gây dị tật, sảy thai và lưu thai liên tiếp. Đối với các trường hợp này, bệnh nhân cần được tư vấn di truyền trước khi mang thai và cần được chẩn đoán di truyền tiền làm tổ để có thể sinh ra những em bé tiếp theo khỏe mạnh.

Bên cạnh các nguyên nhân rõ ràng, có khoảng 15% các cặp vợ chồng chưa tìm thầy nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn. Các nhà khoa học khuyên nên thay đổi lối sống: kiêng rượu, bia, thuốc lá, hạn chế tiếp xúc hóa chất độc hại…và cuối cùng áp dụng các biện pháp hỗ trợ để tăng khả năng có thai như:

- Kích thích buồng trứng

- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung

- Thụ tinh trong ống nghiệm

Vô sinh nữ là một vấn đề phổ biến trong điều trị vô sinh hiếm muộn. Các nguyên nhân rất nhiều, thậm chí có bệnh nhân kết hợp nhiều bệnh cảnh như đa u xơ tử cung và giảm dự trữ buồng trứng, làm cho quá trình điều trị cần phải tính toán và điều trị hợp lý để tăng tối đa cơ hội có thai của bệnh nhân. Ngoài ra chiếm tỷ lệ không nhỏ là các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân. Các bệnh nhân này cần được theo dõi sát và sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản để tăng cơ hội có thai. Bên cạnh đó với sự phát triển vượt bậc của công nghệ gene, tế bào gốc và sự liên kết đa ngành, giúp các bệnh nhân khó như tử cung nhi tính, dính buồng tử cung hoàn toàn, không tử cung có thêm cơ hội được làm mẹ.

Cùng chuyên mục