Sai lầm nguy hiểm khi mắc bệnh sốt xuất huyết

Linh Chi, icon
09:35 ngày 14/07/2020

VTV.vn - Một người mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc thêm đến 3 lần nữa và thông thường lần mắc sau có thể nặng hơn lần trước.

TS.BS Ngô Anh Thế, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cho biết: Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Khoa học đã chứng minh, có 4 type virus Dengue khác nhau được đặt tên là D1, D2, D3, D4. Con người nhiễm một loại virus có khả năng tạo nên miễn dịch bền vững suốt đời nhưng chỉ có khả năng chống lại chính loại huyết thanh virus đó mà thôi. Do đó, một người mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc thêm đến 3 lần nữa và thông thường lần mắc sau có thể nặng hơn lần trước.

Theo TS.BS Ngô Anh Thế, thường trong 3 ngày đầu của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh sẽ sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt, đau cơ, đau khớp. Biểu hiện ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng, cúm đó là sai lầm khiến người bệnh thường đến bệnh viện muộn. Nhưng thời gian này chưa thực sự nguy hiểm bằng khoảng thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Ở giai đoạn này, người bệnh hết sốt hoặc giảm sốt, mệt mỏi hơn, đau bụng, nôn, xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, tràn dịch màng phổi, xuất huyết kín đáo ở hệ tiêu hóa, phổi, não… Đây là giai đoạn người bệnh thường chủ quan khi thấy hết sốt không đi khám bệnh, dẫn đến tình trạng nhập viện trễ, bệnh trở nên nặng và trầm trọng hơn. Trường hợp nặng không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị sốc, xuất huyết nặng, suy tạng, viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim và có thể tử vong.

Cũng theo TS.BS Ngô Anh Thế, một trong những sai lầm nguy hiểm nữa là trong những ngày đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh lầm tưởng mình bị sốt virus thông thường, cảm cúm nên tự ý mua thuốc hạ sốt, giảm đau về dùng, đặc biệt là hai loại aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh sốt xuất huyết vì chúng có tác dụng ngăn chặn sự tập kết của tiểu cầu gây ra tình trạng rối loạn đông máu ở người bệnh. Từ đó, khiến cơ thể dễ xuất huyết, chảy máu, làm tăng nguy cơ xuất huyết nặng nề. Aspirin còn có tác dụng phụ loét dạ dày, tá tràng có thể gây xuất huyết dạ dày. Người bệnh có thể nôn ra máu gây nguy hiểm và khó khăn cho việc điều trị.

Để quá trình chữa bệnh sốt xuất huyết được an toàn, hiệu quả, người bệnh cần chú ý:

- Không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt, nên mặc đồ thoải mái, mát mẻ, thoát mồ hôi…

- Không nên ăn, uống các thực phẩm như: gấc, thanh long, tiết, cà phê… vì sau khi trải qua quá trình tiêu hóa, màu phân dễ nhầm lẫn với máu do xuất huyết nội tạng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán tiên lượng và điều trị bệnh.

- Không nên uống loại nước có ga, rượu bia, không hút thuốc lá...

- Nên tắm bằng nước ấm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ…

- Nếu có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bạn nên đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục