Sẽ không thay thế vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng

Ban Thời sự, icon
04:00 ngày 07/11/2015

VTV.vn - Mục đích của tiêm chủng là bảo vệ cộng đồng, nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì vẫn phải duy trì tiêm chủng...

Ảnh minh họa (Zing News)

Trong tháng 10, đã có hai trẻ tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem. Kết luận của Hội đồng chuyên môn đánh giá, tai biến trong quá trình sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế không liên quan đến vaccine và quy trình tiêm chủng. Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ không thay thế vaccine Quinvaxem và khuyến cáo tiếp tục sử dụng loại vaccine này trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế cũng khẳng định không có loại vaccine nào an toàn 100%.

Bộ Y tế cho biết, sau gần 6 năm triển khai tiêm chủng vaccine Quinvaxem, đã có gần 25 triệu liều được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, mục đích của tiêm chủng là bảo vệ cộng đồng, nên nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. Những năm gần đây, Việt Nam, Mỹ, Australia và một số quốc gia đã phải đối mặt với dịch sởi bùng phát, trong đó, phần lớn những người mắc bệnh do không tiêm chủng. Hiện nay, dịch bạch hầu cũng đang bùng phát tại Lào do tỷ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu thấp tại quốc gia này.

Trước những lo ngại rằng vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng không an toàn, trong khi, vaccine 6 trong 1 hoặc 5 trong 1, được sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ, tuyệt đối an toàn. Vậy, tại sao không thay thế loại vaccine này? Để trả lời câu hỏi này, chương trình Thời sự 12h đã mời đến trường quay PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia tiêm chủng mở rộng.

PGS.TS Trần Như Dương cho biết: "Vaccine Quinvaxem là vaccine phối hợp 5 trong 1. Có nghĩa là, trong một mũi tiêm, chúng ta có thể phòng được 5 bệnh nguy hiểm gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan virus B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là vaccine do nhà sản xuất Hàn Quốc sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới đã tiền thẩm định về chất lượng; hiện nay, được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới với hơn 90 quốc gia đang sử dụng loại vaccine này và với 400 triệu liều đã được sử dụng.

Tại Việt Nam, vaccine Quinvaxem được chính thức đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2010 do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng cung cấp thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã sử dụng khoảng 25 triệu liều vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cũng giống như thuốc, không có một loại vaccine nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối được 100% mà không có phản ứng bởi tiêm vaccine chính là đưa vào trong cơ thể một chất lạ. Chính vì vậy, cơ thể sẽ phản ứng với chất lạ đó. Tuỳ theo từng cơ thể, sẽ có những phản ứng với các mức độ khác nhau.

Thông thường, các cơ thể sẽ phản ứng với vaccine ở mức độ nhẹ. Riêng đối với vaccine Quinvaxem, do có thành phần ho gà toàn tế bào nên phản ứng thông thường nhẹ như sốt, đau sau tiêm có thể lên tới 50%. Bên cạnh đó, một số cơ thể có thể phản ứng mạnh hơn như sốt cao, co giật, tím tái, quấy khóc kéo dài và nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ và tử vong.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem vào khoảng 20/1 triệu liều vaccine sử dụng. Qua theo dõi và qua giám sát, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem tại Việt Nam vào khoảng 4,5/1 triệu liều vaccine sử dụng, thấp hơn so với thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục