Tác dụng chữa bệnh của cây Mạch Môn

VTV2, icon
06:00 ngày 03/02/2014

Mạch môn thường được trồng làm cảnh nhưng trong nhiều tài liệu y văn cổ có ghi chép công dụng bất ngờ của loài cây này.

Củ mạch môn là bộ phận được dùng nhiều nhất.

Mạch môn hay còn gọi là Lang Tiên. Mạch môn đông mọc phổ biến ở vùng Đông Á, thân rễ ngắn, cây cao từ 10-40 cm. Lá mọc từ gốc, rễ chùm, có nhiều rễ phình thành hình thoi. Ở nước ta hiện nay, cây mạch môn được đưa vào trồng ở nhiều vườn thuốc.

Theo Đông y, mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi lạnh, có tác dụng nhuận phế thanh hóa, trừ phiền nhiệt, chỉ khái huyết

Lương y Ngô Viết Tài, HTX Thuốc dân tộc Chùa Bộc, Hà Nội cho biết: "Cây mạch môn chữa bệnh về phổi, ho, hen, nhiều đờm. Ngoài ra, còn có tác dụng giải nhiệt nên người ta thường lấy củ pha nước uống trong mùa hè".

Bộ phận chính của mạch môn được sử dụng là củ. Mỗi gốc mạch môn thu được nhiều củ nhỏ. Sau khi rửa sạch củ mạch môn, đem phơi khô hoặc sao trên chảo nóng.

Một số bài thuốc cây mạch môn:

1. Thanh nhiệt giải độc:

Củ mạch môn sao khô, loại bỏ phần lõi, sau đó hãm uống nước như nước giải khát hàng ngày.

2. Chữa táo bón:

Mạch môn: 12g; Sinh địa: 12g; Huyền sâm: 8g.

Sắc với 400ml nước, lấy 200ml; chia 3 lần/ ngày; uống trước bữa ăn từ 20-30 phút.

3. Phối hợp với Bán hạ, Đẳng sâm trị lao phổi, viêm phế quản mãn tính, viêm họng mạn, có hội chứng phế âm hư, ho khan, ho kéo dài…

4. Phối hợp với Nhân sâm, Ngũ vị tử: trị suy tim có chứng hư thoát ra mồ hôi nhiều, mạch nhanh huyết áp hạ…

Cùng chuyên mục