Tật nhổ tóc - Chứng rối loạn tâm lý

P.V, icon
03:11 ngày 22/12/2019

VTV.vn - Bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận các trường hợp cha mẹ đưa con đến khám với biểu hiện rụng tóc, đứt tóc loang lổ vùng da đầu của trẻ.

Hình minh họa (Ảnh: wikihow.com).

Theo các bác sĩ, tật nhổ tóc là một rối loạn tâm lý có dấu hiệu đặc trưng bởi hành động tự giật tóc, nhổ tóc của mình do một ý chí thôi thúc không cưỡng lại được, kết quả dẫn tới rụng tóc. Bệnh diễn ra ở cả nam và nữ bất kỳ tuổi nào, nhưng ở trẻ em hay gặp hơn, nhất là độ tuổi trước khi đi học và tuổi vị thành niên, dậy thì.

Trẻ thường có hành vi giật nhổ tóc không tự chủ được mỗi khi căng thẳng hay suy nghĩ, lo âu như trong giờ giải lao ở lớp học, lúc xem truyền hình hoặc lúc sắp chìm vào giấc ngủ. Đặc biệt là trẻ có cảm giác rất thú vị, hài lòng hoặc khuây khỏa khi nhổ được tóc.

Nếu để ý, trẻ thường xoắn tóc vào ngón tay rồi nhổ cho được hoặc chà xát cho đến khi làm đứt sợi tóc đó. Trẻ cũng có thể nhổ tóc ở bất kỳ vị trí nào tay với tới được, thường là tóc vùng trán, thái dương; nhưng cũng có khi nhổ cả lông mi, lông mày.

Những đám tóc bị nhổ có bờ không đều và mật độ tóc giảm đáng kể nhưng không bao giờ rụng nhẵn và không có mủ, vảy da.

Hiện nay, một số lựa chọn điều trị đã giúp nhiều người giảm bớt việc nhổ tóc hoặc dừng hẳn:

- Đào tạo đảo ngược thói quen: Bệnh nhân học cách nhận biết các tình huống mà có khả năng sẽ nhổ tóc và thay thế các hành vi khác.

- Liệu pháp nhận thức: Liệu pháp này có thể giúp bệnh nhân xác định và kiểm tra những niềm tin bị bóp méo mà có thể có liên quan đến việc nhổ tóc.

- Các liệu pháp giúp điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần khác chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng...

Riêng điều trị bệnh ở trẻ em cần có sự giúp đỡ của bố mẹ bằng cách: cắt tóc ngắn sát da đầu, đi tất tay, nhẹ nhàng nhắc nhở hành vi khi thấy trẻ giật tóc, giáo dục và tư vấn tâm lý cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục