Tây Nguyên: Gia tăng các trường hợp mắc bệnh viêm mũi họng

Mỹ Hạnh - Quang Nhật, icon
05:46 ngày 08/01/2021

VTV.vn - Những ngày cuối năm, thời tiết chuyển lạnh, số người đến khám và điều trị bệnh viêm mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tăng cao.

Trung bình một ngày, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám cho khoảng 100 trường hợp, trong đó bệnh nhân viêm mũi họng khoảng 40 trường hợp, tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó.

BSCKII Võ Nguyễn Hoàng Khôi, Khoa Tai mũi họng cho biết: Viêm mũi họng là bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, trẻ em và người lớn tuổi dễ mắc bệnh hơn do sức đề kháng yếu. Viêm mũi họng thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 ngày, nếu người bệnh có sức đề kháng tốt, bệnh sẽ nhanh khỏi, các triệu chứng khó chịu sẽ thuyên giảm. Nhưng đối với những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, bệnh có thể có diễn tiến phức tạp, nếu không điều trị sớm, nếu để kéo dài sẽ dẫn đến biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi hoặc trở thành viêm họng mạn tính.

Nói về nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng, BSCKII Võ Nguyễn Hoàng Khôi cho biết thêm: Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng nhưng "thủ phạm" đầu tiên phải kể đến là do virus adeno, virus hợp bào đường thở, cúm, sởi và các loại virus khác như: các loại liên cầu khuẩn, tụ cầu, phế quản. Một nguyên nhân khác thường gặp là do ô nhiễm môi trường, nhiều khói bụi, khí thải, do thay đổi khí hậu đột ngột. Ngoài ra, những người có thói quen không tốt, như: uống nhiều nước đá, dùng các chất kích thích, như: rượu, bia, thuốc lá… vệ sinh răng miệng không đúng cách cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú trong vòm miệng, gây viêm nhiễm vùng mũi, họng.

Viêm mũi họng được chia làm hai thể bệnh: viêm mũi họng cấp tính và viêm mũi họng mạn tính. Viêm mũi họng cấp tính là có sự kết hợp giữa viêm mũi họng và viêm amidan. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 6 ngày. Viêm mũi họng mạn tính là khi viêm mũi họng cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, để tình trạng bệnh kéo dài, dai dẳng dẫn đến tình trạng viêm mũi họng mạn tính. Viêm mũi họng có các biểu hiện, như: người bệnh sốt cao, dao động từ 38 đến 40 độ C, kèm theo cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, nuốt đau, đau nhói lên tai và có ho kích thích. Lúc đầu bệnh có thể gây ho khan, sau đó ho có đờm, chất tiết, niêm mạc họng đỏ, amidan sưng to kèm theo sung huyết vùng mũi họng… Khi phát hiện cơ thể có biểu hiện vừa nêu, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị dứt điểm.

Mặc dù viêm mũi họng không gây đau đớn cấp tính, nhưng bệnh cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, sinh hoạt hằng ngày. Do đó, để phòng bệnh viêm mũi họng, các bác sĩ khuyến cáo: Đối với người bị viêm mũi họng mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần, nên hạn chế các chất kích thích, như: bia, rượu, thuốc lá… Những người mắc các bệnh viêm mũi xoang, viêm amidan, các bệnh về răng miệng, cần điều trị triệt để tránh bệnh diễn tiến lây lan gây viêm họng. Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đối với trẻ em và người lớn tuổi cần được chăm sóc chu đáo để tránh bị nhiễm lạnh khi đi ra ngoài. Riêng trẻ em nên mặc vừa đủ ấm, không nên cho trẻ mặc quá nhiều quần áo vì cơ thể trẻ rất hay ra mồ hôi, dễ bị nhiễm lạnh ngược gây viêm phổi; không để trẻ mút tay hoặc ngoáy mũi, thực hiện tiêm phòng cho trẻ đúng quy định.

Đặc biệt, cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, đúng phác đồ, đúng thời gian, không tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, vì nếu uống không đúng thuốc có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị bệnh hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục