Thái Bình: Nhiều trường hợp cấp cứu do ngộ độc thuốc

Tuấn Bảo, icon
12:28 ngày 27/03/2018

VTV.vn - Thời gian gần đây Bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc trong đó có ngộ độc thuốc, nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.

Hình minh họa

Điển hình là trường hợp bệnh nhi Ngô Gia A. (53 ngày tuổi) được nhập vào khoa Hô hấp ngày 28/2 với dấu hiệu li bì, khóc bé, tím tái, cơn ngừng thở kéo dài 10 - 15s. Qua quá trình khám và hỏi bệnh thấy đây có thể là trường hợp bị ngộ độc cấp nhóm opiats nên bệnh nhân đã được hội chẩn liên khoa hồi sức tích cực, cấp cứu chống độc và đi đến thống nhất tiến hành giải độc cho bệnh nhân bằng thuốc đối kháng là Naloxone, sau tiêm 10 phút tình trạng lâm sàng trẻ đáp ứng rất tốt, cơn ngừng thở thưa dần, trẻ tự thở trở lại, hồng hào, bú được, bỏ được oxy, trẻ tỉnh hơn và nhịp tim trở lại bình thường.

Một số trường hợp ngộ độc thuốc khác như: thuốc hạ huyết áp, chống dị ứng, thuốc dùng điều trị tiêu chảy (loperamid), thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), thuốc hạ sốt…

Nguyên nhân

- Do người nhà tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ,

- Một số phụ huynh vì muốn trẻ nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều thuốc cho trẻ

- Cha mẹ sử dụng đơn thuốc của trẻ khác để mua thuốc cho con uống đã vô tình gây hại cho trẻ.

- Nhiều gia đình chưa cất giữ thuốc cẩn thận, để thuốc trong các hộp đựng bánh/kẹo làm trẻ ăn nhầm. đặc biệt là những gia đình có trẻ tầm 2 - 3 tuổi trẻ rất thích khám phá nên nguy cơ uống nhầm thuốc của người lớn là điều khó tránh.

- Có nhiều trường hợp do cha mẹ cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

- Tâm sinh - lý của trẻ lứa tuổi vị thành niên đang có nhiều thay đổi nên trẻ rất nhạy cảm với những xung đột trong cuộc sống. Đã có nhiều trường hợp trẻ dùng thuôc để tự tử do buồn chuyện gia đình; do bị điểm kém hay bị cha mẹ, thầy cô la mắng.

Hậu quả

Khi ngộ độc thuốc trẻ có thể bị tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không được can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng thậm chí dẫn đến tử vong.

Khuyến cáo

Khi trẻ ốm, gia đình cần cho trẻ đến cơ sở y tế để khám bệnh và tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi chưa được bác sĩ khám và kê đơn, không cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Cho trẻ uống thuốc đúng và đủ liều theo chỉ định, tuyệt đối không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Với các bà mẹ đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ điều trị, vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ.

Để thuốc ngoài tầm thấy, tầm với của trẻ, tốt nhất là nên cất giữ thuốc trong tủ có khóa an toàn.

Không nên tự ý dùng thuốc và các chế phẩm gây nghiện mà chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khi trẻ ốm phải cho các cháu đi khám bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng tránh các trường hợp đáng tiếc xẩy ra ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục