Thiếu hormone tăng trường - nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao

P.V, icon
06:35 ngày 18/06/2019

VTV.vn - Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận từ 30 - 50 trường hợp bệnh nhi được gia đình đưa đến khám chậm tăng trưởng chiều cao.

Hiện nay, chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng... Trong đó, thiếu hormone tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/4000 - 1/10.000 trẻ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội Tiết - Chuyển hóa - Di truyền, hormone tăng trưởng là hormone cần thiết để giúp cơ thể trẻ phát triển chiều cao. Ngoài ra, hormone tăng trưởng còn là hormone giúp chuyển hoá làm giảm khối mỡ, tăng khối cơ trong cơ thể. Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành.

Thiếu hormone tăng trường - nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao - Ảnh 1.

Cũng theo Tiến sĩ Khánh, bệnh cần được điều trị sớm, trước khi sụn xương của trẻ đóng lại.

Trước hết, việc theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng của các bố mẹ là rất cấn thiết. Nó giúp bố mẹ biết được chiều cao và tăng trưởng của con có bình thường hay không. Với trẻ thiếu hormone tăng trưởng thì càng điều trị sớm, trẻ có thể bắt kịp tăng trưởng của trẻ bình thường. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Bất kỳ thời điểm nào thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm thì gia đình nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi để xác định chẩn đoán và nguyên nhân. Cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4 - 13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. bên cạnh đó, điều trị bệnh lý này là bằng đường tiêm, vì vậy cần tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu hormone tăng trưởng có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm.

Điều trị hormone tăng trưởng cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao tại Bệnh viện Nhi Trung ương được tiến hành từ năm 2005. Cho tới nay, đã có trên 900 trẻ đang điều trị hormone tăng trưởng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả điều trị của các bệnh nhân thiếu hormone tăng trưởng cho kết quả rất tốt: năm đầu trẻ tăng trung bình 10 -12 cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 - 9 cm, các năm sau đó tăng trung bình 6 cm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục