TP. Hồ Chí Minh ban hành quy trình mới về phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng

Ngọc Hà, Yến Thư, icon
10:07 ngày 29/10/2021

VTV.vn - Quy trình này được thực hiện theo 3 bước gồm: Phát hiện F0; Xử lý "ổ dịch hộ gia đình" và điều tra, xử lý "ổ dịch cộng đồng".

Hình minh họa.

Ngày 28/10, nhằm thực hiện chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Chính phủ, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quy trình phát hiện và xử lý người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để các địa phương chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch.

Trong quy trình này, sau khi phát hiện F0, nơi ở của F0 được xem là "ổ dịch hộ gia đình". Tất cả các thành viên sống cùng nhà với F0 sẽ được xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay cho và cách ly hộ gia đình 14 ngày kể từ ngày phát hiện ca F0 đầu tiên trong hộ; dán biển cảnh báo trước nhà: "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19" (nền đỏ, chữ vàng). F0 sẽ được thăm khám, đánh giá dấu hiệu suy hô hấp để có hướng xử trí thích hợp. Nếu tại địa bàn phường xã phát hiện trên 10 hộ có F0 thì sẽ kích hoạt 01 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; nếu trên 50-100 hộ có F0 thì kích hoạt thêm trạm y tế lưu động. Sau 14 ngày toàn hộ gia đình sẽ được xét nghiệm lại để quyết định kết thúc cách ly. Trong thời gian cách ly, nếu phát hiện thêm F0 trong cùng hộ gia đình thì không tính thêm thời gian cách ly cho những người còn lại trong hộ.

Khu vực dân cư có từ 2 hộ gia đình có F0 trở lên sẽ được xem là "ổ dịch cộng đồng", đánh giá dựa trên các tiêu chí sau: Có ít nhất 2 hộ gia đình có F0 trong cùng khu vực; Mức độ giao lưu trong khu vực; Mức độ giao tiếp với bên ngoài khu vực; Tình trạng tiêm chủng của dân cư trong khu vực; Đã từng là ổ dịch.

Khu vực "ổ dịch cộng đồng" tạm thời phong tỏa trong 24 giờ để thông báo cho người dân và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 2 - 4 giờ cho tất cả người dân trong ổ dịch để đánh giá mức độ nguy cơ. Từ kết quả xét nghiệm tầm soát "ổ dịch cộng đồng" và đặc điểm khu vực dân cư, tiến hành phân loại nguy cơ của ổ dịch theo mức độ nguy cơ của các tiêu chí đánh giá.

Nếu là ổ dịch nguy cơ thấp sẽ xét nghiệm mỗi 5 ngày/lần (xét nghiệm nhanh mẫu gộp theo hộ gia đình) cho mỗi người dân trong ổ dịch (trừ các hộ có F0) đến khi không còn phát hiện F0. Người có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại và sinh hoạt bình thường nhưng không được tham dự những sự kiện tập trung trên 20 người, tự theo dõi sức khỏe và khai báo với trạm y tế địa phương khi có triệu chứng để được xét nghiệm ngay.

Nếu là ổ dịch nguy cơ cao sẽ xét nghiệm mỗi 3 ngày/lần (xét nghiệm nhanh mẫu gộp theo hộ gia đình) cho mỗi người dân trong ổ dịch (trừ các hộ có F0) đến khi không còn phát hiện F0. Người có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại nhưng giới hạn việc giao tiếp, ghi nhớ người và nơi đã giao tiếp nếu có, không được tham dự những sự kiện tập trung trên 10 người, tự theo dõi sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày, xét nghiệm khi có triệu chứng.

Trường hợp là ổ dịch nguy cơ rất cao thì phong tỏa cứng cả khu vực ổ dịch, xét nghiệm mỗi 2 ngày/lần và ít nhất 3 lần, nếu không còn phát hiện F0 thì giải tỏa (chỉ còn cách ly các hộ gia đình có F0). Quản lý nghiêm khu vực phong tỏa, đảm bảo cách ly tuyệt đối nhà với nhà.

Trong quá trình quản lý ổ dịch cộng đồng, thường xuyên điều tra và đánh giá lại tình hình để quyết định việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi ổ dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục