Trẻ có nên nạo VA sớm hay không? Lời khuyên của Thạc sĩ BS Nguyễn Xuân Đạt

Lê Hải, icon
08:53 ngày 26/04/2024

VTV.vn - Nếu phẫu thuật loại bỏ VA không đúng với chỉ định, loại bỏ VA quá sớm trẻ sẽ đối diện với nhiều rủi ro hơn là lợi ích.

VA là từ viết tắt tiếng Pháp (Végétations Adénoides) để chỉ tổ chức gồm nhiều tế bào bạch cầu (lympho) nằm ở vòm họng. VA cùng với Amidan (tổ chức lympho nằm ở họng miệng) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ.

Trẻ có nên nạo VA sớm hay không? Lời khuyên của Thạc sĩ BS Nguyễn Xuân Đạt - Ảnh 1.

Hình 1: Vị trí VA

Phẫu thuật cắt bỏ VA hay còn có tên gọi khác là nạo VA hiện nay được chỉ định khá rộng rãi và có xu hướng tăng ở lứa tuổi nhỏ. Điều này có thực sự cần thiết hay không?

Phóng viên đã phỏng vấn Ths.Bs. Nguyễn Xuân Đạt - chuyên gia Tai Mũi Họng, người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em.

* PV: Thưa bác sĩ, VA đóng vai trò gì trong sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ?

Ths. Bs Nguyễn Xuân Đạt: Khi không khí được hít vào từ mũi, trước khi vào phổi, không khí sẽ tiếp xúc với VA. Các vi sinh vật (vi khuẩn, virus) gây hại trong không khí sẽ bám vào bề mặt tiếp xúc của VA. Các tế bào bạch cầu tại chỗ của VA sẽ bắt giữ, nhận diện các vi sinh vật này để tạo ra các chất tiêu diệt chúng. Các chất này sẽ được nhân lên và đưa đi khắp cơ thể nhưng tập trung nhiều ở vùng mũi họng, tạo miễn dịch tại chỗ chống lại các yếu tố gây hại khi chúng tái xâm nhập. Trong những năm đầu đời, VA đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ.

Những rủi ro tiềm ẩn khi phẫu thuật loại bỏ VA

* PV:  Vậy trẻ sẽ phải đối mặt với rủi ro gì khi tiến hành phẫu thuật loại bỏ VA?

Ths Bs Ngyễn Xuân Đạt: Phẫu thuật loại bỏ VA là kỹ thuật tương đối đơn giản và hầu hết bác sĩ Tai Mũi Họng đều có thể thực hiện kỹ thuật này. Tuy nhiên những rủi ro tiềm ẩn khi tiến hành phẫu thuật hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là với trẻ em dưới 3 tuổi.

- Rủi ro do gây mê: trẻ sẽ phải trải qua một cuộc gây mê trước khi bác sĩ tiến hành phẫu thuật loại bỏ VA, gây mê ở trẻ nhỏ là một vấn đề vô cùng phức tạp, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra:

+ Nhiễm độc thần kinh do thuốc gây mê: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công bố cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn tác động tiêu cực đến não đang phát triển từ việc sử dụng thuốc gây mê và thuốc an thần cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới ba tuổi.

Cảnh báo này được đưa ra dựa trên nghiên cứu trên động vật cho thấy tổn thương lâu dài, có thể vĩnh viễn do tiếp xúc với thuốc gây mê. Tổn thương này có thể dẫn đến bất thường trong hành vi, học tập và trí nhớ. (Các nghiên cứu trên người (đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi) là rất ít vì không ai lại đem những đứa trẻ ra để làm nghiên cứu chứng minh cảnh báo ở trên là đúng cả).

+ Tử vong do gây mê: Mặc dù tỷ lệ tử vong do gây mê là rất nhỏ nhưng các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm đến vấn đề này.

- Chảy máu sau phẫu thuật:

Chảy máu sau khi phẫu thuật loại bỏ VA là biến chứng khá phổ biến, phần lớn xảy ra sớm trong vòng 24 giờ đầu tiên sau phẫu thuật, với tỷ lệ trong khoảng 0,5 -> 0,8%.

- Suy hầu họng (Velopharyngeal insufficiency - VPI):

Đây là biến chứng đã gặp với tỷ lệ 1/1200 ->1/1500 trong phẫu thuật loại bỏ VA, và thường gặp với người có vấn đề về vòm miệng trước đó (VD: hở hàm ếch...).

Biểu hiện đặc trưng là giọng mũi hở, thoát khí khi nói, suy hầu họng nặng có thể dẫn đến sặc thức ăn và chất lỏng khi ăn lên mũi. 

Chính việc loại bỏ VA làm tăng kích thước đường thở mũi. Vòm miệng hoạt động kém,  không còn khả năng đóng vòm họng do VA đã bị loại bỏ.

- Hẹp vòm mũi họng:

Biến chứng hiếm gặp sau nạo VA, được đặc trưng bởi sự thu hẹp hoặc tắc nghẽn vòm họng.

Bệnh nhân có biểu hiện khó thở bằng mũi, khó thổi khí ra khỏi mũi, giọng mũi kín và khó nuốt. Có thể xảy ra tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, chảy máu mãn tính và thiếu máu cục bộ nếu tình trạng hẹp nặng.

- Tăng sản các tổ chức lympho xung quanh:

Loại bỏ VA sớm có thể làm amidan vòi tăng sản - phát triển to bất thường dẫn đến tái phát các triệu chứng mũi và/hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến tai giữa.

(amidan vòi có cấu tạo tương tự VA nằm ở vị trí gần vòi nhĩ thông từ vòm mũi họng lên tai giữa)

+ Đặc biệt lưu ý, theo kết quả của 1 nghiên cứu cho thấy trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ gặp phải rủi ro cao hơn 5,6 lần và trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ gặp phải rủi ro cao hơn 3,2 lần so với trẻ lớn hơn khi thực hiện các phẫu thuật nạo VA.

Trẻ có nên nạo VA sớm hay không? Lời khuyên của Thạc sĩ BS Nguyễn Xuân Đạt - Ảnh 2.

Hình 2: Ths. bs Nguyễn Xuân Đạt: "loại bỏ VA quá sớm, trẻ sẽ đối diện với nhiều rủi ro hơn là lợi ích"

Những trường hợp cần phẫu thuật loại bỏ VA

* PV: Xin bác sĩ cho lời khuyên: khi nào cần phải phẫu thuật loại bỏ VA?

Ths. Bs Nguyễn Xuân Đạt: Phẫu thuật loại bỏ VA được chỉ định liên quan đến 2 yếu tố: Một là liên quan đến kích thước VA: VA quá to làm cản trở đường thở và là nguyên nhân gây ra tình trạng ngưng thở khi ngủ, và hai là liên quan đến tình trạng viêm.  

Các triệu chứng gợi ý ngưng thở khi ngủ bao gồm:

Các triệu chứng ban đêm:

- Ngủ ngáy.

- Tiếng thở to hoặc khó thở.

- Tạm ngừng thở giữa các nhịp thở hoặc đột ngột thở gấp.

- Thở bằng miệng.

- Bồn chồn không ngủ yên giấc.

- Đổ nhiều mồ hôi.

- Đái dầm hoặc đi tiểu đêm nhiều lần.

Các triệu chứng ban ngày:

- Thức dậy với tình trạng đau đầu.

- Cảm thấy uể oải, mệt mỏi.

- Ngủ gật trong ngày.

- Thở bằng miệng.

- Khó tập trung.

- Hành động cục cằn hay cáu kỉnh.

Về các yếu tố liên quan đến tình trạng viêm: VA viêm tái lại nhiều lần gây ra các biến chứng viêm mũi xoang, viêm tai giữa…

Trên thế giới số ca phẫu thuật loại bỏ VA liên quan đến nhiễm trùng ngày càng giảm (𝑻𝒂̣𝒊 𝑯𝒐𝒂 𝑲𝒚̀ số ca phẫu thuật loại bỏ VA đã giảm từ 132.000 ca năm 2006 xuống còn 69.000 ca năm 2010. Tương tự 𝒕𝒂̣𝒊 𝑨𝒏𝒉 tổng số ca phẫu thuật loại bỏ VA giảm từ 28.309 ca năm 1990 xuống còn 6327 ca vào năm 2014).

Hai chỉ định phẫu thuật loại bỏ VA ở trên cần được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng nhiều kinh nghiệm đánh giá kỹ lưỡng bởi nếu như phẫu thuật loại bỏ VA không đúng với chỉ định, loại bỏ VA quá sớm trẻ sẽ đối diện với nhiều rủi ro hơn là lợi ích.

* PV: Cảm ơn bác sĩ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục