Trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng cao, nhiều ca biến chứng nặng

P.V, icon
07:01 ngày 26/11/2021

VTV.vn - Theo thông tin từ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 11 đến nay, trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng cao, trung bình mỗi ngày có gần 30 ca bệnh.

Hình minh họa.

Trong đó, số ca bệnh nặng chiếm tới 50%. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng giảm tiểu cầu, cô đặc máu và sốc, nguy hiểm tới tính mạng

Sốt xuất huyết là bệnh phổ biến, dễ bùng phát vào mùa mưa. Triệu chứng của bệnh ở trẻ nhỏ dễ nhầm với sốt virus thông thường, chính vì điều này mà làm cho nhiều phụ huynh chủ quan. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, sẽ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng cực kỳ nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Ái Thơ, Khoa Nhiệt đới cho biết: Đối với sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, 3 ngày đầu sẽ sốt rất cao, ít đáp ứng với thuốc hạ sốt. Một số trẻ lớn có thể thông báo cho người nhà về tình trạng nhức đầu, nhức mỏi tay chân, nhức hốc mắt. Ngoài ra, một số trẻ có triệu chứng xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu răng hoặc những chấm xuất huyết rải rác trên người. Những ngày sau, trẻ có thể giảm sốt nhưng chảy máu nhiều hơn hoặc đau bụng, nôn mửa, tiểu ít.

Theo bác sĩ Thơ, trong 3 ngày đầu, nếu sốt cao liên tục có thể co giật do sốt. Triệu chứng mất nước vì sốt quá nhiều, sốt quá cao. Những ngày sau, ngày nguy hiểm của bệnh từ ngày thứ 4 đến thứ 7, trẻ có thể gặp biến chứng như cô đặc máu quá nhiều sẽ gây sốc, một số trẻ có thể suy tạng như tổn thương gan, thận, thần kinh, tim.

Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, thời gian đầu của bệnh hoặc bệnh nhẹ có thể cho trẻ điều trị tại nhà, tuy nhiên, cần phải tái khám hàng ngày tại cơ sở y tế để kiểm tra tiểu cầu và độ cô đặc máu của trẻ.

Khi trẻ xuất hiện triệu chứng lừ đừ, bứt rứt, kích thích, nôn mửa nhiều lần trong ngày, than đau bụng, tiểu ít, chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu, đi cầu ra máu thì nên đưa trẻ đến viện gấp. Đặc biết trẻ dưới 12 tháng, béo phì, mắc các bệnh nền thì nên nhập viện khi được chẩn đoán sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp chính để phòng bệnh vẫn là diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt.

Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt 2 - 3 ngày trở lên mà không đáp ứng với hạ sốt thì nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục