Trẻ sơ sinh không có hậu môn

Lê Thạch, icon
05:38 ngày 01/09/2018

VTV.vn - Sau khi sinh 12 tiếng, trẻ xuất hiện nôn nhiều, chưa đại tiện, không sốt, phát hiện dị tật không có lỗ hậu môn, được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị.

Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình hậu môn cho trẻ.

Kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm cho thấy: hình ảnh không có lỗ hậu môn, tắc ruột; đại tràng giãn, bóng hơi trực tràng cách nếp hậu môn 8,3mm. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán: trẻ bị dị tật bẩm sinh không hậu môn/ bệnh nhi còn ống động mạch và chỉ định mổ cấp cứu tạo hình hậu môn cho trẻ.

Ca mổ diễn ra trong hơn 1 giờ, các bác sĩ tiến hành phẫu tích hậu môn trực tràng phía sau bàng quang, trước xương cụt. Quan sát thấy có 2 đường rò: đường rò thông với bàng quang và đường rò thông ra ngoài chạy nối với đường đan da bìu. Các bác sĩ đã tiến hành khâu kín đường rò thông với bàng quang, tạo đường hầm đưa túi cùng hậu môn trực tràng xuống qua đường hầm và tạo hình hậu môn cho trẻ.

Theo các bác sĩ, dị tật trực tràng - hậu môn là do sự phát triển bình thường của bào thai gặp trục trặc. Đa số trẻ dị tật trực tràng, hậu môn là không có lỗ hậu môn. Trẻ sơ sinh sau 24 giờ ra đời không đi tiểu được, chứng tỏ trực tràng, hậu môn có vấn đề và cần được can thiệp kịp thời nếu không rất nguy hiểm cho trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo: Để phòng dị tật bẩm sinh, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị sức khỏe tốt khi quyết định sinh con. Người mẹ cần tiêm các loại vaccine phòng bệnh trước khi có thai. Trong thời gian mang thai, không nên tiếp xúc với hóa chất độc hại, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn đủ chất dinh dưỡng, có tinh thần thoải mái.

Nếu trong gia đình có người bị dị tật, khi mang thai cần đi thăm khám thường xuyên hơn những người bình thường để kịp thời được tư vấn hướng dẫn biện pháp chăm sóc thai sản và sau sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online

Cùng chuyên mục