Triển khai phần mềm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em

Hồng Nhung, icon
09:14 ngày 31/03/2023

VTV.vn - Phần mềm được sử dụng tại các cơ sở y tế trong phạm vi toàn quốc, kể cả y tế ngoài công lập và tại cộng đồng.

Hình minh họa.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Sở Y tế Hải Phòng tổ chức Hội nghị triển khai "Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7- 60 tháng tuổi".

Theo đó, phần mềm sử dụng tại các cơ sở y tế trong phạm vi toàn quốc, kể cả y tế ngoài công lập và tại cộng đồng. Đây là công cụ hữu ích cho cán bộ y tế và người dân thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến dưới 60 tháng tuổi một cách toàn diện giúp làm giảm suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng trẻ em đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi, để từ đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam.

Đây cũng là một trong những nỗ lực hướng đến việc thực hiện "Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", trong đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ và bà mẹ được triển khai tích cực, đạt hiệu quả rõ rệt.

Năm 1999, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 33,9%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi 28,5%. Đến năm 2022 tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm đáng kể chỉ còn 6,6%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cũng giảm nhưng vẫn còn chiếm tới 16,8%. Năm 2013, tỷ lệ thừa cân - béo phì là 5,2% thì đến năm 2022 tỷ lệ thừa cân - béo phì chiếm 7,8%.

Chương trình phòng chống thiếu vitamin A được triển khai từ rất sớm, theo đánh giá năm 2001, tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A của trẻ từ 6-36 tháng tuổi là 95,9% và bà mẹ sau đẻ là 75,6%. Năm 2022, tỷ lệ tương ứng này đạt ở mức cao: 99,2%; 97,5%. Tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu máu từ 53% năm 1995 xuống còn 32,1% năm 2022.

Ngành Y tế Hải Phòng đã triển khai các hoạt động và lồng ghép có hiệu quả các chương trình y tế trong toàn thành phố tạo được bước chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực dinh dưỡng. Ý thức về dinh dưỡng hợp lý nói chung và công tác phòng chống suy dinh dưỡng nói riêng trong từng lớp cán bộ cũng như cộng đồng đã được nâng cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục