Viêm đường tiết niệu trong thai kỳ

Tuấn Bảo, icon
02:07 ngày 01/07/2018

VTV.vn - Viêm nhiễm đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Hình minh họa (Ảnh: utireport)

Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8,3 triệu lượt người đến khám bệnh viêm đường tiết niệu, cứ 5 người phụ nữ đến khám thì có 1 người bị viêm vào một giai đoạn nào đó.

Khi viêm đường tiết niệu, người bệnh thường có những triệu chứng rất khó chịu như: tiểu buốt, tiểu gắt. Nếu vệ sinh vùng kín không tốt, sử dụng thủ thuật thông tiểu, sử dụng màng ngăn âm đạo, hay do lây nhiễm vi khuẩn từ bạn tình khi quan hệ tình dục… đều là những nguyên nhân gây nên viêm đường tiết niệu. Mầm bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở phần thấp và nếu không được điều trị, có thể diễn biến nặng lên dẫn tới viêm đường tiết niệu trên làm suy giảm chức năng thận, rất nguy hiểm. Viêm đường tiết niệu nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm thận bể thận cấp, áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp.

Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuy nhiên phụ nữ mang thai nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trong thai kỳ, sự tăng trưởng của vi khuẩn dễ dàng do nồng độ các axit amin, các vitamin và các chất dinh dưỡng khác trong trong nước tiểu gia tăng, tạo điều kiện cho nhiễm trùng xảy ra. Vì đường niệu của người mang thai có những đặc điểm không bình thường do khối lượng tử cung lớn chèn ép vào bàng quang và gây giãn niệu quản, ứ đọng nước tiểu hoặc giãn đài bể thận do sự trào ngược nước tiểu. Nước tiểu ứ đọng gây giảm độ đặc, có hiện tượng chuyển ngược dần bàng quang – niệu quản, lượng đường trong nước tiểu tăng, progestin và estrogen niệu tăng,...

Ngoài ra, những cơ chế đề kháng của mẹ cũng kém hiệu quả trong thai kỳ. Đây là những yếu tố thuận lợi cho viêm nhiễm tiết niệu khi mang thai. Đôi lúc nhiễm trùng xảy ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng; nhưng có biểu hiện tiểu tiện tùy theo các phần của hệ tiết niệu như các hình thái viêm bàng quang, viêm đài bể thận, viêm thận một bên hoặc hai bên. Các ổ nhiễm khuẩn có thể phát hiện sớm trước lúc mang thai hoặc song song trong suốt thai kỳ của sản phụ.

Phụ nữ có thai bị viêm đường tiết niệu có thể gây đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh… Do vậy, điều quan trọng nhất là, tất cả phụ nữ nếu có dấu hiệu, triệu chứng của viêm đường tiết niệu, phải nhanh chóng khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, phụ nữ khi mang thai cần kiểm tra nước tiểu định kỳ 01 tháng một lần, để tìm dấu hiệu nhiễm độc thai nghén (đạm trong nước tiểu, phù, huyết áp cao). Ngoài ra để phát hiện những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu không triệu chứng. Không nên cố nhịn khi muốn đi tiểu, nên đi tiểu ngay sau khi giao hợp, vệ sinh vùng âm hộ - hậu môn hàng ngày và sau khi đi đại tiện, nên vệ sinh từ trước ra sau dưới vòi nước. Ngoài ra cần uống đủ nước để giúp nước tiểu không cô đặc, phòng sỏi hệ tiết niệu.

Các phụ nữ khi có các dấu hiệu như: tiểu buốt, tiểu gắt (tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ được một ít nước tiểu), nước tiểu đục, đi tiểu ra máu, đau vùng bụng dưới (viêm đường dẫn niệu), đau thắt lưng hoặc đau bên mạn sườn; cần phải đi khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục