Viêm phổi ở người cao tuổi: Dễ biến chứng nếu không điều trị sớm

Mỹ Hạnh, icon
10:05 ngày 06/01/2020

VTV.vn - Người cao tuổi mắc viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời dễ bị biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Thời điểm giao mùa cách đây nửa tháng, ông H.N.H., 70 tuổi ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk bị sốt nhẹ, ho nhẹ về đêm. Vì nghĩ ông bị cảm sốt thông thường nên gia đình mua thuốc về cho ông uống khoảng 5 ngày nhưng bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Càng ngày ông ho càng nhiều hơn, về đêm, tình trạng khò khè, khó thở diễn ra liên tục nên gia đình chuyển ông vào Khoa Lão, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông viêm phổi và cho nhập viện để điều trị và theo dõi.

Còn bệnh nhân T.V.T., 80 tuổi ở Hòa Thắng, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk cũng vừa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên do bị viêm phổi trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, thở nhanh, đờm nhiều. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc phải đặt ống nội khí quản để giải quyết tình trạng suy hô hấp và duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: Khi thời tiết thay đổi đột ngột hay khi chuyển mùa là thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh viêm phổi. Ở người lớn tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, đôi khi chỉ là ho ít hoặc ớn lạnh như cảm cúm thông thường. Điều này dễ làm người bệnh và người nhà người bệnh chủ quan, không đưa đến bệnh viện sớm để điều trị.

Ngoài ra, không ít người cao tuổi còn mắc một số bệnh lý khác, như: đái tháo đường, bệnh viêm phổi tắc nghẽm mạn tính, cao huyết áp, tim mạch…hoặc đang sử dụng một số loại thuốc để điều trị các bệnh khác cũng gây ra giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập và phát triển, gây nên các bệnh nhiễm trùng, trong đó có viêm phổi.

Theo các bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, viêm phổi ở người cao tuổi có biểu hiện không giống với người trẻ tuổi. Bệnh thường diễn biến âm thầm, ở giai đoạn đầu thường chỉ sốt nhẹ, ho nhẹ, khó chịu, thậm chí không ho… Điều này khiến nhiều người chủ quan, thường tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi tình trạng chuyển biến xấu và nặng mới đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Do đó viêm phổi ở người cao tuổi dễ bị biến chứng nguy hiểm, như: biến chứng tại phổi, biến chứng trong lồng ngực. Trong biến chứng của bệnh viêm phổi, suy hô hấp là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, khi đó phổi bị tổn thương nặng, giảm chức năng hô hấp dẫn đến không cung cấp đủ lượng oxy cho não khiến người bệnh bị tử vong rất nhanh.

Với sự nguy hiểm của bệnh viêm phổi ở người cao tuổi, các bác sĩ khuyến cáo: Khi thời tiết thay đổi, người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nhà cửa, đồ dùng hàng ngày, khi ra ngoài nên mang khẩu trang để tránh khói bụi. Sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo mỗi ngày bổ sung đầy đủ 1,5 - 2 lít nước. Việc làm này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp đào thải những độc tố có nguy cơ gây bệnh viêm phổi...

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu ho nhẹ, khó chịu, thậm chí không ho, không có đờm hoặc ít đờm nhưng lại thở nhanh, thở gấp hơn bình thường, đi lại dễ ngã, tinh thần lú lẫn… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh. Lưu ý, việc điều trị phải do bác sĩ chỉ định, không tự ý mua thuốc điều trị, nhất là kháng sinh, vì không đúng liều rất dễ gây kháng thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục