Xử lý vết kiến ba khoang đốt như thế nào để không bị sẹo?

Minh Đức, icon
07:35 ngày 11/10/2018

VTV.vn - Khi cơ thể tiếp xúc với độc tố kiến ba khoang sẽ có cảm giác bỏng rát, xuất hiện mụn nước nhỏ, sau khi mụn vỡ ra sẽ tạo thành vết thương như vết bỏng.

Một tháng qua, thời tiết giao mùa ẩm ướt đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch kiến ba khoang quay trở lại. Loài kiến này sinh trưởng mạnh mẽ tại các bụi rậm trong thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện các cơn mưa lớn nên vô tình đuổi loại kiến này bay vào nhà dân khô ráo.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cơ thể kiến ba khoang chứa độc tố pederin, loại độc này có độc tính mạnh gấp 12 -15 lần nọc của rắn hổ, nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Kiến ba khoang không đốt người nhưng chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da.

Xử lý vết kiến ba khoang đốt như thế nào để không bị sẹo? - Ảnh 1.

Kiến ba khoang thường xuyên xuất hiện trong nhà dân từ tháng 9 - 11

Viêm da do kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, trong vòng 24 giờ đầu, người bệnh sẽ thấy xung quanh vùng da bị đốt sưng và ngứa nghiêm trọng. Sau 2 - 3 ngày, các vùng da tiếp xúc sẽ đỏ dần và sưng phình ra, đồng thời xuất hiện các mụn nước nhỏ như mụn nước khi bị phỏng. Sau đó mụn nước sẽ vỡ ra và tụ lại tạo thành dạng vết thương như vết bỏng và các vết vảy xuất hiện. Hầu hết các triệu chứng bắt đầu dần hồi phục sau 10 ngày đến 2 tuần.

Trong trường hợp người dân vô tình nằm đè lên cơ thể kiến, sau đó tiếp xúc với huyết tương của chúng (chất dịch cơ thể hoặc máu), lúc này độc tố paederin sẽ khiến vùng da tiếp xúc có thể chuyển thành các đốm đen. Nếu dùng bàn tay đã chạm phải chất độc của kiến ba khoang dụi mắt sẽ khiến cho mắt bị sưng tấy, đỏ và nhiều biến chứng khác.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, để phòng ngừa bị kiến ba khoang và các loại côn trùng khác đốt, trong nhà nên chuẩn bị sẵn 3 loại thuốc: Cồn 70 độ, mỡ corticoid và kem phenaegan. Để tránh cho việc tiếp xúc độc tố hoặc giảm tác động của độc khi kiến ba khoang đốt, nhanh lành và không để lại sẹo, nên làm theo các bước sau:

- Rửa sạch vùng tổn thương và dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc trên da.

- Bôi mỡ corticoid 4 - 6 lần một ngày để tránh phồng rộp, làm mát da. Sau đó, bôi kem phenaegan 8 - 10 lần một ngày.

- Nếu tổn thương vùng quanh mắt do kiến ba khoang, nên rửa bằng nước muối 9%, sau đó bôi mỡ kháng sinh tra mắt: mỡ tetraxyclin, cloroxitH.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyên rằng những người bị tổn thương da do bị kiến ba khoang đốt không nên tự ý mua thuốc điều trị, nên thăm khám bác sĩ da liễu trước để có hướng điều trị phù hợp.

Để ngừa viêm da tiếp xúc do côn trùng, cần kiểm tra quần áo, khăn trước khi mặc, rửa mặt, kiểm tra giường chiếu trước khi ngủ. Đề phòng côn trùng vào nhà có thể lắp lưới chống muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào, không nên bật điện sáng trong phòng, mà bật điện sáng ngoài sân, hành lang để thu hút côn trùng…

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục